Người nông dân đam mê OCOP

30/09/2022 hcmcfoodex
Trần Trung – Hồng Thủy, 30/07/2022, Nông Sản Việt

 

Với niềm đam mê sáng tạo, nông dân Đoàn Văn Khanh đã liên tục cho ra đời hơn chục sản phẩm bưởi OCOP cùng công trình du lịch độc đáo được làm từ ve chai.

 

Hành trình đưa hương bưởi bay xa

Đến xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm “khu du lịch ve chai thần kỳ” của nông dân Đoàn Văn Khanh thì ai cũng biết. Ông Khanh sở hữu bề dày thành tích trong kháng chiến, trở về đời thường ông lại hăng say lao động, sáng tạo trong sản xuất với hơn chục sản phẩm chế biến công phu từ trái bưởi và được người dân trong vùng gọi bằng một cái tên trìu mến: “Vua bưởi” Tư Khanh.

 

Ông Tư Khanh tự hào kể về quá khứ, hiện tại, tương lai của đời mình khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tư Khanh tự hào kể về quá khứ, hiện tại, tương lai của đời mình khiến chúng tôi không khỏi thán phục. Ảnh: Trần Trung.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ 3 gian cổ kính với rất nhiều bằng khen, giấy khen các loại từ trung ương đến địa phương, trước hiên nhà là gian hàng trưng bày hơn chục loại sản phẩm OCOP được tinh chế từ bưởi đang tỏa hương thơm ngát khiến ai đến một lần cũng phải ngất ngây. Xung quanh khuôn viên nhà không khác gì một “vườn thượng uyển” được bố trí một cách khoa học với hơn 200 cây dừa sáp xen trồng bưởi, một số cây thuốc nam như đinh lăng, thần kỳ, chùm ngây… cùng đàn chim yến đang bay về tổ, các thùng ong đang rỉ mật làm nguồn nguyên liệu phụ trợ phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, trên ngọn dừa là những cây cầu bằng thép cao chót vót do ông tự thiết kế tạo thành hệ thống giao thông trên cao, cùng các gian nhà được lắp ghép công phu từ chính rác thải nhựa tạo thành không gian kỳ vỹ không phải ai cũng có thể nghĩ và làm được.

 

Một góc khu 'vườn thượng uyển' với điểm nhấn là công trình 'đi trên ngon dừa' do ông Khanh tự thiết kế xây dựng. Ảnh: Trần Trung.

Một góc khu “vườn thượng uyển” với điểm nhấn là công trình “đi trên ngon dừa” do ông Khanh tự thiết kế xây dựng. Ảnh: Trần Trung.

Nhấp ngụm trà bưởi nóng, trong làn khói ảo diệu, hương bưởi bay xa, ông Tư Khanh tự hào kể về quá khứ, hiện tại, tương lai của đời mình khiến chúng tôi không khỏi thán phục.

Ông vốn xuất thân tại làng quê nghèo, chứng kiến cảnh giặc Pháp rồi tới giặc Mỹ giày xéo thôn làng, 14 tuổi ông tham gia du kích mật, 17 tuổi ông được bổ nhiệm làm Xã đội chánh rồi làm Bí thư Xã ủy, sau đó, ông đã cùng đồng đội tham chiến hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nhiều lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt ngụy, diệt xe cơ giới, bị thương đến bảy lần, trong đó có một viên đạn xuyên tay phải làm teo cơ nên ông có biệt danh “Khanh củn”.

 

Những cây bưởi xen canh với dừa và những cây thuốc nam ông tạo thành bức tranh nông nghiệp nên thơ. Ảnh: Trần Trung.

Những cây bưởi xen canh với dừa và những cây thuốc nam ông tạo thành bức tranh nông nghiệp nên thơ. Ảnh: Trần Trung.

Sau giải phóng, ông được xếp thương binh hạng 2/4 với tỉ lệ thương tật 65% nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia xây dựng củng cố chính quyền và từng giữ nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Chủ tịch Cựu chiến binh xã Song Thuận…

Trở về cuộc sống đời thường, mặc dù tuổi đã “lục tuần”, ông đã âm thầm “khăn gói” lên TP. Hồ Chí Minh để học lương y. Sau 2 năm không ngừng học hỏi, với hành trang là những kiến thức đã học được, ông bắt tay ngay vào nghiên cứu các nguyên liệu từ bưởi.

Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, những sản phẩm từ trái bưởi được lần lượt ra đời như: nước bưởi ép giúp tan mỡ bụng, giảm mỡ trong gan và máu, giải độc gan… Không chỉ có bưởi, ông còn cho ra đời sản phẩm kem dưỡng da được chiết xuất từ tinh dầu dừa sáp và một số cây thảo dược.

 

Ông Tư Khanh giới thiệu các sản phẩm OCOP được chiết xuất từ bưởi cho khách tham quan. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tư Khanh giới thiệu các sản phẩm OCOP được chiết xuất từ bưởi cho khách tham quan. Ảnh: Trần Trung.

Đến nay ông đã cho ra đời 42 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ những loại cây sẵn có này. Trong số đó có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Riêng sản phẩm tinh dầu hoa bưởi và nước ép bưởi của ông đã đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 7 và huy chương vàng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giải pháp “Biến vỏ, hoa bưởi thành tinh dầu kích thích mọc tóc” của ông được Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp chứng nhận “Điển hình sáng tạo Việt Nam”.

Để cung ứng sản phẩm của mình làm ra trên thị trường trong nước và thế giới, ông mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, xây dựng chuỗi liên kết, thu mua bưởi của bà con trong vùng để chủ động nguyên liệu trong sản xuất, tạo ổn định việc làm cho bà con trong việc trồng bưởi.

Mãn nhãn khu du lịch “ve chai thần kỳ”

Khi nhìn thấy túi ni lông, chai nhựa… bị vứt trên đường gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường, ông đã nảy sinh ý tưởng biến các phế liệu thành những vật dụng hữu ích vừa làm du lịch. Nghĩ là làm, ông thu gom phế liệu ở nơi sản xuất của gia đình, từ những người dân xung quanh để thực hiện ý tưởng “độc lạ” này. Ban đầu ông xây dựng hàng rào xung quanh vườn, xây dựng 1 ngôi nhà giữa hồ sen, rồi xây cả dãy nhà bằng chai nhựa, rồi đến bàn, ghế được kết hợp từ chai nhựa, thùng nhựa đã qua sử dụng.

 

Công trình nhà lục giác được sáng chế từ các chai nhựa là một trong những công trình tiêu biểu từ ve chai do ông Khanh sáng tạo ra. Ảnh: Trần Trung.

Công trình nhà lục giác được sáng chế từ các chai nhựa là một trong những công trình tiêu biểu từ ve chai do ông Khanh sáng tạo ra. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, chứng kiến cảnh công nhân hái dừa phải leo cao, nguy hiểm, kém năng suất, nên ông đã nghĩ ra làm cầu thang cố định mục đích là để tiện thu hoạch. Nhưng rồi lại thấy nhu cầu tìm cảm giác lạ khi được đi vòng quanh trong vườn và được ngắm cảnh trên ngọn dừa nên ông đã quyết định làm hệ thống cầu trên ngọn dừa, vừa là để tiện thu hoạch dừa vừa để khách hàng, du khách được trải nghiệm. Từ đó, “kỳ quan” đi trên ngọn dừa mới lạ được ra đời.

 

Ông Tư Khanh tự hào bên công trình của mình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Tư Khanh tự hào bên công trình của mình. Ảnh: Trần Trung.

Từ khi vườn mở cửa khu du lịch, ông Khanh đã đón nhiều du khách đến tham quan. Đặc biệt, có nhiều công ty lữ hành, du lịch đến khảo sát loại hình du lịch của ông để hợp tác đưa khách du lịch đến đây.

 

Công trình trạm dừng chân bằng ve chai được ông Khanh thiết kế khéo léo trên ngọn dừa. Ảnh: Trần Trung.

Công trình trạm dừng chân bằng ve chai được ông Khanh thiết kế khéo léo trên ngọn dừa. Ảnh: Trần Trung.

Phó Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Huyền cho rằng: “Đây là mô hình du lịch sinh thái “độc lạ” mà nhiều du khách đang muốn tìm hiểu, khám phá. Đây cũng là một điểm dừng chân lý tưởng để du khách cảm nhận không khí trong lành, mát mẻ của vườn dừa, cây trái; thưởng thức những món ăn đậm chất miền quê, nhưng vẫn đảm bảo được sức khỏe”.

Ông Nguyễn Ngọc Phi, Bí thư Đảng ủy xã Song Thuận cho biết: “Tuy ông Đoàn Văn Khanh là thương binh 2/4, sức yếu nhưng ông vẫn “máu lửa” trong sản xuất kinh doanh, ấp ủ hoài bão tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đưa sản phẩm OCOP địa phương theo hướng xuất khẩu. Ông Khanh là tấm gương sáng, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ, thậm chí là tất cả người dân tại địa phương”.

Bình luận