‘Cú hích’ nâng cao giá trị nông sản

30/09/2022 hcmcfoodex
Trần Trung – Hồng Thủy, 01/08/2022, Nông Sản Việt

 

Tiền Giang là địa phương có rất nhiều đặc sản truyền thống nổi tiếng và chương trình OCOP là ‘cú hích’ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản.

 

OCOP tạo “sức bật” cho

nông sản địa phương

 

Từ lâu, tỉnh Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây của cả nước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, năm 2021, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hơn 82.000ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Trong đó, huyện Cái Bè hơn 22.000ha, huyện Cai Lậy gần 14.000ha, huyện Tân Phước khoảng 17.000ha… Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng đã quy hoạch và hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như: Sầu riêng Cai Lậy; thanh long Chợ Gạo; khóm (dứa) Tân Phước; xoài cát Hòa Lộc; mãng cầu xiêm Tân Phú Đông…

 

Tiền Giang được mệnh danh là 'vương quốc' trái cây của cả nước. Ảnh: Trần Trung.

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây của cả nước. Ảnh: Trần Trung.

Theo Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Tiền Giang đã tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu các loại nông sản nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển. Trong đó, chương trình OCOP được xác định là “kim chỉ nam” giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi, tạo “sức bật” để nông sản địa phương vươn tới các thị trường lớn ở trong và ngoài nước.

 

Chương trình OCOP khơi dậy tính sáng tạo, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Chương trình OCOP khơi dậy tính sáng tạo, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất.

Ảnh: Trần Trung.

Có thể thấy, qua thực hiện, chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi huyện, xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn. Chương trình OCOP cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân; hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm của tỉnh ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn, dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến.

 

Từ hiệu quả chương trình, chủ thể mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Từ hiệu quả chương trình, chủ thể mạnh dạn đầu tư trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, hiện nay các sản phẩm OCOP của tỉnh đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng tiện ích trong và ngoài tỉnh, các hệ thống siêu thị…, nhiều sản phẩm đã có doanh số bán hàng từ hàng trăm triệu đồng trở lên như: mắm tôm chà Gò Công, gà ta Gò Công… Đặc biệt, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân có 4 sản phẩm OCOP đã lập dự án đầu tư nhà máy được UBND tỉnh phê duyệt kèm theo ưu đãi chính sách tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn theo Nghị định 57 nhằm mở rộng sản xuất, đa dạng thêm nhiều sản phẩm.

“Qua 4 năm thực hiện, đến nay Tiền Giang đã xây dựng và công nhận 119 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 75 sản phẩm 4 sao và 44 sản phẩm 3 sao, với 36 chủ thể tham gia (có 8 hợp tác xã, 22 doanh nghiệp và 6 hộ sản xuất, kinh doanh). Có thể nói, chương trình OCOP đã  góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy, từ sản suất công nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị tham gia. Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được đầu tư hơn về chất lượng, mẫu mã và được nhiều chủ thể khẳng định, có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.

 

Hầu hết các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Hầu hết các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Ảnh: Trần Trung.

Qua khảo sát sơ bộ có hơn 70% sản phẩm được chứng nhận OCOP có mức tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị…”, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

 

Theo ngành nông nghiệp Tiền Giang, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất, năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình đề ra, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

 

Các mô hình nông nghiệp mới tại địa phương cũng có cơ hội phat triển, nhân rộng. Ảnh: Trần Trung.

Các mô hình nông nghiệp mới tại địa phương cũng có cơ hội phat triển, nhân rộng. Ảnh: Trần Trung.

Kế hoạch nêu rõ, tiếp tục củng cố các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019 – 2020, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả kế hoạch, đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Đồng thời, chú trọng phát triển sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng, duy trì xếp hạng 200 sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 có 100 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 5 sao (các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm OCOP). Phát triển sản phẩm dịch vụ, du lịch: Tiêu chuẩn hóa 5-7 điểm du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 3-4 sao. Đào tạo tập huấn cho 100% cán bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP.

 

Các mô hình không chỉ nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho số lượng lớn người lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Các mô hình không chỉ nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, mà còn giải quyết vấn đề việc làm cho số lượng lớn người lao động tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Để làm được điều đó, trong thời gian tới, các ngành chức năng và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, gắn với công tác đào tạo, tập huấn và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Một trong những nội dung trọng tâm nữa là tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn về quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP sẽ hỗ trợ giấy chứng nhận, tem sao OCOP đối với sản phẩm đạt 3, 4, 5 sao. Riêng đối với sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ hỗ trợ bảng giới thiệu; tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm định hướng tham gia OCOP.

Song song đó là hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua việc cập nhật, xây dựng Cẩm nang sản phẩm OCOP Tiền Giang nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang. Tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước (ưu tiên tập trung vào các chương trình OCOP quốc gia) nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP vào thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP.

 

Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, quảng bá sản phẩm, ngày càng nhiều sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Trung.

Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ, quảng bá sản phẩm, ngày càng nhiều sản phẩm OCOP khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thực hiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay… Hỗ trợ xây dựng, trang trí nâng cấp gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP bao gồm xây dựng, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng và lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP…

 

“Nhìn chung các sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian qua rất đa dạng với nhiều sản phẩm được phát triển từ các nguyên liệu truyền thống. Dù các sản phẩm được phân hạng ở hạng sao nào cũng đều được đánh giá rất cao vì đó là tâm huyết với nhiều công sức, nguồn lực được các chủ thể đầu tư.”

“Tuy nhiên, trước đây chúng ta chủ yếu xây dựng và công nhận những sản phẩm có sẵn để chứng nhận thành sản phẩm OCOP, thì bây giờ, định hướng của tỉnh sẽ thực hiện một cách căn cơ, đầu tư hướng dẫn xây dựng các sản phẩm bài bản theo chuỗi và theo đặc trưng từng làng quê để đưa sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa. Các chủ thể cần chú ý đến việc xây dựng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu kinh tế…”, ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh.

Bình luận