Đặc sản miến dong đỏ bản địa Cao Bằng

30/09/2022 hcmcfoodex

Công Hải – Toán Nguyễn, 08/12/2021, nongnghiep.vn

Nông dân huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng bao đời nay vẫn duy trì trồng giống dong đỏ bản địa để tạo ra sản phẩm miến dong đặc sản nức tiếng.

Diện tích dong riềng đỏ tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình phát triển tốt. Ảnh: Công Hải.

Diện tích dong riềng đỏ tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình phát triển tốt. Ảnh: Công Hải.

Là một trong những hộ trồng dong, làm miến điển hình ở xóm Pù Vài, xã Thành Công, gia đình ông Du Văn Síu mỗi năm bán được hơn 4 tấn miến dong, trừ chi phí thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Síu chia sẻ: Gia đình tôi trước chủ yếu trồng ngô, lúa. Từ gần chục năm nay chuyển hết diện tích hơn 3.000m2 đất sang trồng dong riềng, chủ yếu là dong riềng đỏ bản địa để phục vụ làm miến. Từ nghề làm miến, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn nhiều.

Thành Công là xã vùng cao của huyện Nguyên Bình, dân tộc Dao chiếm hơn 65% số hộ, trình độ dân trí hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém nên đời sống kinh tế của người dân trong xã còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần 60%.

Những năm gần đây, xã tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng dong riềng, đặc biệt là dong riềng đỏ bản địa, phát huy nghề làm miến truyền thống nên thu nhập người dân tăng dần, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Bàn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Thành Công thông tin: Năm 2021, toàn xã trồng hơn 40ha dong riềng, gần 40% diện tích là giống dong riềng đỏ bản địa. Đa số các xóm đều trồng dong riềng. Cả xã có hơn 400 hộ trồng dong, gần 50 hộ làm miến. Nghề trồng dong, làm miến nhiều năm qua là nghề chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Dong riềng đỏ bản địa có năng suất bằng 80% giống dong cao sản. Ảnh: Công Hải.

Dong riềng đỏ bản địa có năng suất bằng 80% giống dong cao sản. Ảnh: Công Hải.

Thị trấn Tĩnh Túc nhiều năm qua nổi tiếng với đặc sản miến dong Tĩnh Túc được làm 100% từ bột dong của giống dong riềng đỏ bản địa. Do diện tích đất nông nghiệp nhỏ hẹp nên đa số bột dong để làm miến đều phải đi thu mua ở các xã lân cận. Toàn thị trấn có 56 hộ trồng dong, 100% hộ trồng dong đỏ với diện tích hơn 20ha, hơn 70 hộ sản xuất miến. Mỗi năm, thị trấn bán ra hơn 100 tấn miến dong đặc sản Tĩnh Túc. Không chỉ bán trong tỉnh, miến dong Tĩnh Túc còn được gửi đi làm quà tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bà Ma Thị Hảo, tổ 4, thị trấn Tĩnh Túc tâm sự: Gia đình tôi có truyền thống 20 năm làm miến. Tôi chỉ làm miến từ bột dong đỏ bản địa. Bột dong đỏ lại được làm bằng nguồn nước nguồn tinh khiết ở khe núi chảy ra tạo nên sợi miến có màu trắng đục, sợi miến có độ dẻo, hương vị thơm ngon khác biệt so với miến làm bằng bột dong cao sản.

Toàn huyện Nguyên Bình năm 2021 trồng hơn 230ha dong riềng, trong đó hơn 90% là dong riềng đỏ. Diện tích chủ yếu tại các xã: Phan Thanh, Yên Lạc, Vũ Nông, Thành Công và thị trấn Tĩnh Túc. Từ trồng dong, làm miến, nhiều hộ có thu nhập trung bình từ vài chục triệu đến gần 200 triệu đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bà Hoàng Thị Hòa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình cho biết: Giống dong riềng đỏ được người dân trồng ở huyện Nguyên Bình từ rất lâu đời. Người dân thu hoạch và để giống ngay trên đồng ruộng để vụ sang năm trồng. Cây dong riềng đỏ trồng, chăm sóc cũng giống các loại giong riềng khác. Nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 450 – 500 tạ/ha, bằng 70 – 80% năng suất dong cao sản.

Giống dong đỏ bản địa có đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, chống chịu tốt với thiên tai, thời tiết lạnh giá. Đặc biệt là dong đỏ cho bột nhiều hơn, chất lượng vượt trội so với dong cao sản. Tuy nhiên, cây dong đỏ khi trồng đất phải luân canh thường xuyên, nếu không trồng đến năm thứ 3 sẽ dễ bị nấm bệnh gây thối củ và lây lan rất nhanh.

Nhiều hộ dân trồng dong, làm miến ở huyện Nguyên Bình có thu nhập khá. Ảnh: Công Hải.

Nhiều hộ dân trồng dong, làm miến ở huyện Nguyên Bình có thu nhập khá. Ảnh: Công Hải.

Phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình gần đây chú trọng làm tốt khâu kết nối, liên kết giữa người dân và các HTX, doanh nghiệp. Đối với các vùng nguyên liệu của các đơn vị như Hợp tác xã Tân Việt Á, Hợp tác xã miến dong Phia Đén, các đơn vị sẽ có hợp đồng thu gom giống với các hộ trồng, bảo quản để giống tại ruộng rẫy hoặc sau thu hoạch thu gom cấp cho các vùng nguyên liệu tự  bảo quản trên ruộng rẫy của các hộ.

Để phát triển giống dong đỏ bản địa thời gian tới, huyện Nguyên Bình đã có định hướng, chỉ đạo các xã, thị trấn trồng miến dong thực hiện việc duy trì và bảo tồn giống dong đỏ địa phương. Phối hợp với Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh ban hành Chuỗi giá trị miến dong của huyện Nguyên Bình, trong đó đề ra kế hoạch, phương hướng bảo tồn và nhân rộng, thực hiện các diện tích trồng trong giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện bằng giống dong đỏ địa phương, bà Hòa cho biết thêm.

Bình luận