Biến sữa dê thành sản phẩm OCOP độc đáo
Chinh phục giống dê Saanen
Tọa lạc tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trang trại dê Saanen của vợ chồng chị Lê Khắc Đông Nghi là mô hình nuôi dê lấy sữa lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay.
Đến với trang trại nuôi dê của chị Đông Nghi, điều cảm nhận đầu tiên đó là một không gian thoáng mát, sạch sẽ, những con dê Saanen với bộ lông trắng tinh nguyên mập mạp, khỏe mạnh và thân thiện được chia theo từng khu vực theo từng độ tuổi. Đáng chú ý, bên trong khu chuồng còn được trang bị một máy nghe nhạc, với những bản bolero không lời du dương vừa giúp những chú dê giảm stress (căng thẳng), vừa hạn chế phá chuồng, tiết sữa được nhiều hơn và lớn nhanh hơn.
Vừa vắt những dòng sữa tươi mát được tiết ra từ những bầu vú căng tròn tại khu vực chuyên lấy sữa dê, chị Nghi cho biết, trong một lần thăm nuôi người nhà tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua trò chuyện, được một bác sĩ chia sẻ về những lợi ích vượt trội của sữa dê đối với sức khỏe, từ đó chị nảy sinh ý tưởng nuôi dê để lấy sữa.
Qua tìm hiểu, hầu hết các giống dê ở Việt Nam thường lai tạp nên cho số lượng, chất lượng sữa không đạt, nặng mùi. Tại một số nước Châu Âu, từ lâu đã xuất hiện các mô hình nuôi dê lấy sữa. Trong số gần 30 giống dê các loại, chị nhận thấy giống Saanen (nguồn gốc Thụy Sĩ) có nhiều ưu điểm vượt trội như dễ nuôi, phù hợp địa lý địa phương, năng suất sữa cao, chất lượng sữa tốt.
Để có nguồn con giống chất lượng, năm 2014, chị lặn lội đi khắp các vùng chăn nuôi dê trọng điểm để tìm giống, nhưng lúc đó bất thành do mô hình này quá mới mẻ. Chị phải đến tận Trung tâm Khuyến nông tại Sơn Tây, Hà Nội mới tìm mua được 10 con dê Saanen giống chất lượng cao để gây đàn, đến nay chị đã sở hữu đàn dê sữa Saanen trên 150 con, sản lượng sữa bình quân 200 lít sữa/ngày, với giá dao động 30.000/lít, đem lại nguồn thu nhập không dưới 100 triệu đồng/tháng.
Nói về kỹ thuật nuôi hiệu quả, chị Đông Nghi chia sẻ, trước khi thực hiện mô hình nuôi dê sữa, gia đình chị đã nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi dê thịt. Tuy nhiên, nuôi dê lấy sữa đòi hỏi kỹ thuật cao hơn rất nhiều bởi sản phẩm thu hoạch là sữa, để giữ được chất lượng sữa là cả vấn đề, không cẩn thận sữa tạo ra có mùi coi như mọi công sức phải bỏ đi.
Theo đó, bên cạnh vệ sinh chuồng trại mỗi ngày, phòng chống dịch bệnh thường xuyên, việc lựa chọn thức ăn phù hợp cho dê có yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình bởi nuôi dê để lấy sữa đòi hỏi chế độ ăn rất cao, trong khi đặc tính dê ăn rất nhiều. Với quy trình chăn nuôi sạch, ngoài trồng cỏ voi, mít được xem là món ăn “khoái khẩu” với hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao. Chị đã cải tạo 2 ha đất để trồng mít thái để phục vụ thức ăn cho đàn dê, nhờ vậy, sữa hạn chế được mùi hôi, chất lượng sữa đạt độ béo, độ đặc theo yêu cầu người tiêu dùng.
Biến sữa dê thành sản phẩm OCOP đặc trưng
Sau khi chăn nuôi thành công, số lượng dê ngày một lớn, sản lượng sữa tạo ra ngày càng nhiều, việc bảo quản sữa dê kỳ công, sau khi thanh trùng chỉ bảo quản lạnh được tối đa 7 ngày, nếu tiêu thụ chậm sữa sẽ bị hỏng, chưa kể việc vận chuyển sữa tươi rất khó khăn.
Để tìm cách biến sữa dê thành các dạng sản phẩm nhằm kéo dài thời gian bảo quản, giải quyết tốt vấn đề đầu ra, sau thời gian mày mò, nghiên cứu, chị phát hiện cách làm sữa chua và bánh flan từ sữa bò khá tương đồng. Năm 2018 chị đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm đầu tiên gồm: sữa chua (yaout) và bánh flan tươi làm từ sữa dê. Do không sử dụng chất bảo quản, hợp khẩu vị người tiêu dùng, hạn sử dụng cũng dài hơn, đối với sữa chua là 30 ngày, bánh flan là 12 ngày, nên khi tung ra thị trường, ngay lập tức 2 dòng sản phẩm mới này được khách hàng đón nhận.
Thành công ban đầu đã tiếp thêm động lực để chị tiếp tục nghiên cứu về công nghệ sấy thăng hoa để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhiều đối tượng người tiêu dùng. Đặc biệt, nhờ tham gia vào chương trình OCOP, được nhà nước hỗ trợ nguồn lực và tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay, chị đã có 6/13 sản phẩm gồm các loại bánh, sữa sấy được làm từ nguyên liệu sữa dê kết hợp các loại trái cây đặc sản tại địa phương như sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Tầm Vu sấy thăng hoa được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao.
Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 10/2020, HTX nông nghiệp Đông Nghi được thành lập, chị Lê Khắc Đông Nghi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX. Đến nay, HTX đã phát triển được 10 thành viên. Các thành viên được HTX cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thu mua sữa tươi với giá ổn định.
“Ngày nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm mới lạ có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu sạch, theo hướng Organic (thực phẩm hữu cơ) và áp dụng công nghệ sấy tiên tiến mang tính đột phá, sản phẩm từ sữa của HTX được thị trường trong nước ưa chuộng bởi sữa không có mùi, thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc 3 không: không chất bảo quản, không đường hóa học, không hương liệu.
Hiện HTX đã ký hợp đồng cung ứng thường xuyên các sản phẩm cho các trường mầm non, tiểu học và xây dựng được kênh phân phối sản phẩm bao gồm hệ thống đại lý tiêu thụ TP.HCM và một số tỉnh thuộc ĐBSCL. Ngoài ra, HTX còn chuẩn bị ký hợp đồng với Co.opmart để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị”, chị Đông Nghi chia sẻ.
Nói về định hướng sắp tới, chị Đông Nghi cho biết thêm, thời gian tới HTX sẽ không ngừng đổi mới kỹ thuật và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và đưa sản phẩm giới thiệu với khách hàng quốc tế.
“Mô hình nuôi dê lấy sữa và chế biến các sản phẩm OCOP từ sữa của HTX Đông Nghi là mô hình điểm của địa phương và thể hiện sức sáng tạo của người trẻ. Các sản phẩm do HTX sản xuất có nhiều triển vọng phát triển. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ cơ sở hoàn thành các thủ tục để có thể đưa sản phẩm đạt OCOP 4 sao, trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh”, theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang – Võ Văn Lập.