Xuất khẩu nông nghiệp “cầm chắc” 50 tỷ USD
Với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, ngành nông nghiệp có khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm nay, thậm chí nhiều khả năng vượt chỉ tiêu hàng tỷ USD.
Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đạt tăng trưởng 2 con số trong 9 tháng của năm 2022.
Xuất siêu gấp 2 lần cùng kỳ năm 2021
Xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế sau chặng đường 9 tháng. Trong nhiều biến động của thị trường hàng hóa, khó khăn về vận chuyển, chi phí sản xuất tăng cao do giá xăng dầu từ đầu năm tăng gần 50% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương mức tăng 5,4 tỷ USD); nhập khẩu ước đạt 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%.
Đáng nói là, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp cao bất ngờ, với 6,9 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu của cả nền kinh tế 9 tháng (6,5 tỷ USD).
Có được kết quả trên là nhờ một loạt sản phẩm nông sản chính có giá trị xuất khẩu tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021, như cá tra đạt 1,9 tỷ USD, tăng tới 83%; cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng trên 37%; gạo đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng 9,3%; tôm đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng trên 24%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD, tăng 11,4%.
Trong 9 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, từ đầu năm đến nay, những biến động về địa chính trị, sự mất giá của các đồng tiền đã tác động đến hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trước tình hình giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng phi mã, các doanh nghiệp sản xuất đã chủ động co kéo, cắt giảm chi phí để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
Mục tiêu đã rất gần
Còn gần 3 tháng nữa để ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD trong năm 2022.
Kết quả qua 9 tháng khả quan, nhưng trước mắt, vẫn còn hàng loạt thách thức đối với nông sản Việt Nam cũng như các ngành hàng xuất khẩu nói chung. Đó là tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường, đơn hàng sụt giảm, tồn kho lớn, chi phí sản xuất vẫn tăng…
Tuy nhiên, phân tích cụ thể tình hình từng thị trường, các khách hàng lớn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sức cầu tiêu dùng dù có giảm, nhưng các nhóm hóa lương thực, thực phẩm vẫn là hàng hóa thiết yếu không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Ngoài ra, đơn hàng lớn cho 3 tháng cuối năm cơ bản cũng đã được các doanh nghiệp ký kết xong.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 của ngành với các loại nông sản chính đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Dù một số ngành hàng (hạt điều, rau quả) sụt giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành đang được bù đắp bởi sự tăng trưởng vượt trội của các nhóm hàng tỷ USD như thủy sản, gạo, cà phê. Quan trọng hơn, từng doanh nghiệp, ngành hàng cũng có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với diễn biến thị trường.
Riêng ngành rau quả đã có tín hiệu tích cực hơn, hứa hẹn có thể lấy lại đà tăng trưởng, bởi thị trường Trung Quốc đã giảm các thủ tục kiểm dịch hàng hóa, đồng thời đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch với sầu riêng và chanh leo của nước ta.
Mới đây, Công ty TNHH Thương mại sản xuất Long Thủy (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) xuất khẩu 4 container sầu riêng (hơn 70 tấn) sang Trung Quốc. Theo doanh nghiệp này, việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để nông dân nâng cao giá trị của trái sầu riêng. Qua đó, doanh nghiệp cũng có cơ hội nắm bắt tình hình cung – cầu của thị trường để có kế hoạch phù hợp. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu các lô hàng sầu riêng sang Trung Quốc dựa vào diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng.
Sầu riêng là loại trái cây có giá trị cao, các doanh nghiệp Việt có nhu cầu đăng ký xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn/năm, nếu được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng, cơ hội tăng trị giá xuất khầu từ loại quả này sẽ rất lớn. 8 tháng của năm 2022, trái sầu riêng đã mang về 160 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tương lai gần, nếu tổ chức sản xuất tốt, thực hiện đúng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu, sầu riêng sẽ nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản về đích với con số kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020, vượt mục tiêu đề ra.
Với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, không khó để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu 50 tỷ USD trong năm nay, thậm chí có thể đạt cao hơn. Trước đó, có dự báo cho rằng, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 54 – 55 tỷ USD.
Nguồn: baodautu.vn