TPHCM xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm

09/04/2024 HCMC foodex

(Thanhuytphcm.vn) – UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP năm 2024.

Theo đó, TPHCM tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các sở, ngành đến UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hành đúng về an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn, bảo quản, chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nâng cao năng lực quản lý của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông về an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng với các đoàn thể và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

TPHCM vừa ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Đồng thời tiếp tục xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm từ tỉnh đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP và thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững, ổn định và an sinh xã hội trên địa bàn TP; tiếp tục thúc đẩy các giải pháp, nâng cao hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là trong tổ chức hội họp, trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.

Cùng với đó, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm. Tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.

Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm.

Vân Minh

Bình luận