TP.HCM: Lo ngại thực phẩm bẩn trong những ngày giáp Tết

20/04/2024 HCMC foodex

Nhiều hàng hoá thuộc lĩnh vực thực phẩm bày bán tại các chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh, chợ tự phát… trong những ngày giáp Tết, đều kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Khó kiểm soát…

Đáng nói, báo cáo với đoàn kiểm tra liên ngành của TP.HCM, mới đây, đại diện Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (chợ đầu mối Hóc Môn) cho biết: thực trạng buôn bán thực phẩm tại khu vực quanh chợ, các điểm bán thịt heo tự phát chủ yếu lấy thịt từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc. Việc sơ chế và bày bán chủ yếu để trên sàn nhà hay trên lề đường. Nước thải sau khi sơ chế thịt và các loại phụ phẩm được đổ trực tiếp ra cống rãnh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số điểm kinh doanh không có giấy phép kinh doanh và không đóng thuế.

  Nhiều sạp bán rau, củ tự phát buôn bán không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ. Hình ảnh Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đi kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM.

Bên cạnh đó, các sạp bán rau, củ tự phát cũng buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ. Mặt khác, hàng hóa trưng bày lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, cản trở các xe chở hàng hóa ra vào chợ và xe cộ qua lại của người dân. Các sạp hàng buôn bán tự phát không thuê đơn vị thu gom rác thải, do đó rác tại các sạp này bị vứt bừa bãi dọc các tuyến đường xung quanh chợ. Thậm chí, một số hộ kinh doanh bên ngoài còn lén lút đem rác đổ vào phía trong hàng rào chợ đầu mối, lâu ngày bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, theo báo cáo của Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (chợ đầu mối Bình Điền), tình hình mua bán chậm hiện nay ảnh hưởng một phần từ việc mua bán trái phép hàng hóa nông sản thực phẩm trên các tuyến đường xung quanh chợ. Nhiều tiểu thương trong chợ đầu mối Bình Điền đã có khiếu kiện vì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Do đó, đề nghị lãnh đạo các cấp chỉ đạo để thực hiện giải tỏa dứt điểm chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối.

Còn theo đại diện UBND P.7 (Q.8), các chợ tự phát này hoạt động trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh ở cả 2 địa bàn P.7 (Q.8) và xã An Phú Tây (H.Bình Chánh). Mặc dù, hai quận, huyện và chợ đầu mối Bình Điền đã phối hợp kiểm tra thường xuyên, nhưng hiệu quả chưa cao vì khi chúng tôi vừa dẹp xong, vừa quay đi thì họ lại bày ra bán tiếp.

Tại buổi kiểm tra, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở ATTP TP.HCM, cho rằng việc dẹp các điểm kinh doanh tự phát với các hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc khó có thể làm rốt ráo trong thời gian ngắn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và quản lý địa phương. Trước tiên, Sở ATTP TP.HCM sẽ phối hợp trật tự đô thị và công an khu vực kiểm tra thực phẩm từ các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Nếu họ không xuất được hóa đơn, chứng từ, nơi mua thực phẩm thì chứng tỏ họ nhập thực phẩm chưa qua kiểm duyệt và sẽ bị xử phạt.

“Chúng ta phải tuyên truyền cho người dân về thông tin các thực phẩm chưa qua kiểm duyệt. Còn khách hàng thì chợ tự phát vẫn còn tồn tại. Người dân phải mua những sản phẩm chất lượng có nguồn gốc rõ ràng, nếu như cứ ham rẻ hơn một chút là ta đang tiếp tay cho những sản phẩm bất hợp pháp, hàng hóa kém chất lượng”, bà Lan nói.

“PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở ATTP TP.HCM: Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng hãy ủng hộ những doanh nghiệp hợp pháp, lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng những sản phẩm thực phẩm mình ăn uống mỗi ngày. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với bếp ăn của gia đình mình, lựa chọn thực phẩm sạch.

Đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng ATTP

Nêu giải pháp về kiểm soát các mặt hàng thực phẩm, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, để đảm bảo ATTP, chợ sẽ phối hợp Đội quản lý ATTP số 9 (Đội 9) tham gia quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, bảo đảm thịt heo nhập phải là thịt heo tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng rau củ nhập chợ phải có chứng từ hóa đơn. Về dự trữ hàng hóa tết, chợ đầu mối Hóc Môn sẽ theo dõi sát việc cung, cầu hàng hóa của tất cả các mặt hàng. Nếu có biến động bất thường sẽ báo cáo nhanh đến các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời ổn định thị trường. Đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chống đầu cơ găm hàng.

Nhấn mạnh về các giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng hàng hoá, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, cho rằng: ngoài việc theo dõi lượng hàng cung ứng cho dịp tết năm nay, Sở ATTP TP.HCM cũng đi thực tế một số nơi như các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị để đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng ATTP. Theo bà, việc kiểm tra cũng không phải tết đến mới làm mà là cả một quá trình dài. Quá trình từ Ban Quản lý ATTP đến khi trở thành Sở ATTP đều có những chương trình hành động hướng tới “xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”. Điều quan trọng cốt lõi là cần sự hưởng ứng từ các đơn vị tổ chức cá nhân đến các doanh nghiệp.

“Chúng tôi rất mong muốn cộng đồng hãy ủng hộ những doanh nghiệp hợp pháp, lưu tâm đến vấn đề quản lý chất lượng những sản phẩm thực phẩm mình ăn uống mỗi ngày. Mỗi người phải tự có trách nhiệm với bếp ăn của gia đình mình, lựa chọn thực phẩm sạch. Thực phẩm mình ăn vào, cái đầu tiên nguyên liệu mình mua ở đâu. Nếu nguyên liệu từ đầu đã mất an toàn thì toàn bộ các khâu từ bảo quản, phân phối, chế biến không còn ý nghĩa gì nữa”, bà Lan nói.

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết chỉ trong 4 ngày: 17, 19, 22 và ngày 24/1/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm là thực phẩm, đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng giả tiếp tục gia tăng?

Đáng chú ý, thông tin liên quan đến tình trạng buôn lậu các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… gia tăng trong dịp Tết, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết chỉ trong 4 ngày: 17, 19, 22 và ngày 24/1/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm là thực phẩm, đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, trong quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 6 – Cục QLTT TP.HCM đã phát hiện  766kg bánh, kẹo, mứt, hạt các loại; 18.009 đơn vị sản phẩm (hộp, bịch, vỉ, gói, hũ…) bánh, kẹo, mứt các loại, có tổng trị giá 264.139.000 đồng. Điển hình như 200kg hạt hướng dương không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 12.000.000 đồng; 200kg hạt mắc ca không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 44.000.000 đồng; 11.400 cây kẹo trứng ốp la không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 22.800.000 đồng; 4.800 hộp kẹo que, 110 vỉ kẹo hình Pokemon không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 24.300.000 đồng; 100kg hạt nhựa đào, 45kg táo khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá 20.660.000 đồng; 66kg mứt táo, bí, gừng không rõ xuất xứ, trị giá hơn 6.000.000 đồng; 114 hộp sô cô la không rõ xuất xứ, trị giá 10.480.000 đồng…

Cũng theo ông Huy, sau khi kiểm tra, lực lượng QLTT xác định các hàng hoá nêu trên đều không đảm bảo chất lượng và buộc phải tiêu huỷ vì các sản phẩm này đều là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Về các giải pháp, ông Huy cho biết hiện Cục QLTT TP.HCM đã chỉ đạo các Đội QLTT chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, sản xuất, lưu kho, vận chuyển, kinh doanh đường cát để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Bình luận