Tìm lại ‘tên tuổi’ mãng cầu Bà Đen
Trần Trung, 25/01/2022, Nông Sản Việt
Nhắc đến Tây Ninh, ngoài bánh tráng, muối tôm thì từ lâu mãng cầu Bà Đen trở thành đặc sản trứ danh. Mãng cầu cũng luôn có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết…
Về thăm những nhà vườn ở chân núi Bà Đen những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, đến nơi đâu cũng bắt gặp những vườn mãng cầu lúc lỉu trái. Tính đến hiện tại, ở đây đã có hơn 10.000 ha chuyên canh loại cây này. Mãng cầu Bà Đen vốn nổi tiếng ngọt lành, không gây dị ứng, quả lại to và đẹp mắt nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt vào dịp Tết, ai cũng mong có vài trái mãng cầu Bà Đen để đặt lên mâm ngũ quả thay cho lời ước nguyện năm mới.
Kiên trì lấy lại danh tiếng
Núi Bà Đen vốn là một vùng khí hậu có những yếu tố rất đặc trưng nên những vườn mãng cầu nơi đây có thể cho ra trái quanh năm, không phải nơi nào cũng có được. Từ lâu, trái mãng cầu Bà Đen đã nổi tiếng với những quả to, thịt dai và có vị thơm ngon rất đặc biệt. Mặc dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý từ 2011, thế nhưng có một thực tế nghịch lý, dù được coi là loại trái cây đặc sản của địa phương nhưng số phận trái mãng cầu rất bấp bênh.
Theo người dân địa phương, mãng cầu là loại trái khó tính, nếu canh tác manh mún nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống sẽ không phòng được dịch bệnh, dẫn tới việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đó là chưa kể, một số ít nông dân thấy cái lợi trước mắt đã sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng để tạo dáng, tạo màu cho trái, rất đẹp về hình thức nhưng bên trong ruột thường bị thối, bị chảy nước khiến người mua ngán ngại.
Trong bối cảnh đó, nhằm vực dậy thương hiệu “sản vật vùng đất thánh”, khẳng định vị thế mãng cầu địa phương vùng núi Bà Đen, Công ty cổ phần Natani đã kiên trì lấy lại danh tiếng và vị thế cho trái mãng cầu. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm mãng cầu Bà Đen của Công ty còn được xuất khẩu sang Singapore, các nước khu vực Bắc Mỹ và Trung Đông. Năm 2021, sản phẩm của Công ty được chứng nhận OCOP 4 sao.
Nói về hành trình tìm lại danh tiếng trái mãng cầu Bà Đen, ông Nguyễn Thế Tân – Giám đốc Công ty cổ phần Natani chia sẻ: “Tại sao nhiều người dám bỏ ra hàng triệu đồng để ăn trái cây ngoại mà người ta lại không thể mua những trái mãng cầu Bà Đen nổi tiếng thơm ngon? Đó là câu hỏi đầy trăn trở với tôi cũng như hầu hết người dân địa phương. Chính vì thế, năm 2016, tôi cùng các cộng sự là những người có tâm huyết và am hiểu về trái mãng cầu địa phương, thành lập Công ty cổ phần Natani, tiền thân là Công ty Phụng Sơn.
Cách làm của Natani là phải xây dựng quy trình canh tác chuẩn với tiêu chí hàng đầu là sạch, tươi, ngon, bắt mắt không mất đi bản chất của mãng cầu truyền thống. Theo đó, để tìm ra quy trình, Công ty dành nhiều thời gian đến thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại những địa phương canh tác hiệu quả, thậm chí là sang các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới để học hỏi. Sau khi có quy trình, Công ty tiếp tục mướn đất của nông dân để trồng thử nghiệm, thuê kĩ sư chăm sóc, khi kết quả như ý muốn Công ty phối hợp với nhà vườn tạo thành một chuỗi liên kết, trong đó Công ty sẽ cung cấp kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cây và cải tạo đất, phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững.
Cùng nông dân làm giàu
Theo ông Nguyễn Thế Tân, bắt đầu từ năm 2018, Công ty tiến hành mở rộng liên kết hợp tác với các nhà vườn canh tác theo quy trình nông nghiệp sạch, đồng thời ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật công nghệ cao, hữu cơ vi sinh để tạo ra được trái mãng cầu vừa có hương vị thơm, dai như truyền thống lại vừa đảm bảo sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài việc giúp nông dân xây dựng hệ thống tưới tự động, các kĩ sư của Natani hướng dẫn bà con nông dân về kĩ thuật bao trái, một trong những yếu tố sống còn với trái mãng cầu, đồng thời bao tiêu cho bà con nông dân. Đến nay, Công ty đã giúp hàng trăm bà con trong vùng kết hợp cùng Công ty xây dựng được vùng nguyên liệu trên 300 ha theo quy trình theo hướng hữu cơ bền vững.
Gắn bó với Công ty từ 2 năm nay, ông Nguyễn Xuân Năm (ngụ ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) cho biết, gia đình ông có hơn 2 ha canh tác mãng cầu. Trước đây, ngoài nỗi lo về giá cả, đầu ra của sản phẩm, người nông dân trồng mãng cầu cũng rất trăn trở về phương thức canh tác. Từ khi sản xuất theo quy trình của Công ty, năng suất cây trồng vẫn đảm bảo, bản thân cũng như người tiêu dùng an tâm với sản phẩm. Điều quan trọng hơn hết là giá cả đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định.
“Ban đầu, tôi cũng như nhiều bà con ở đây lo ngại việc sản xuất mãng cầu “sạch” vì chi phí đầu tư cao, dẫn đến sản phẩm bán ra giá cao, khó tiêu thụ. Từ khi liên kết với Công ty Natani, giá cả đã thoả thuận từ trước, đến ngày thu hoạch, nhà vườn đem sản phẩm lên giao cho Công ty rồi nhận tiền. Hiện nay, trái mãng cầu được Công ty bao tiêu đợt tết tặng thêm 10%, dự kiến vụ này mỗi ha sẽ đem lại cho gia đình trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
OCOP tiếp sức mãng cầu vươn xa
Ông Nguyễn Thế Tân cho biết, sản phẩm mãng cầu Bà Đen của Công ty đã có mặt tại hệ thống các siêu thị của Big C, Aeon, SaiGon Co.op và chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh trên toàn quốc. Đồng thời, sản phẩm được đóng gói trái theo dạng trái cây tươi để xuất khẩu qua Bắc Mỹ, Nga, châu Phi theo đường hàng không.
“Cuối năm 2021, sản phẩm trái mãng cầu của Natani đã công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Việc được công nhận là sản phẩm OCOP không chỉ là vinh dự cho Công ty Natani, còn là niềm tự hào của nhà vườn trồng mãng cầu. Hướng phát triển sắp tới của Công ty sẽ mở rộng sản xuất, đồng thời chế biến sâu sản phẩm từ trái mãng cầu như nước ép, bánh kẹo, mứt… để làm sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch và hướng tới xuất khẩu để nâng giá trị của trái mãng cầu Tây Ninh”, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, mãng cầu là một trong đặc sản nức tiếng của Tây Ninh. Ngay khi tỉnh có chủ trương triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trái mãng cầu là một trong những sản phẩm được địa phương ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết: Để xây dựng trái mãng cầu Bà Đen thành một sản phẩm OCOP bền vững, thì vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm cần được đặt lên hàng đầu, vì thực tế hiện nay hầu hết các hộ dân canh tác mãng cầu trên địa bàn tỉnh vẫn theo phương pháp truyền thống. Do chủ yếu dựa vào kinh nghiệm tự rút ra trong quá trình canh tác, người dân còn mắc những lỗi sai trong quy trình canh tác như sử dụng phân bón quá liều lượng, sử dụng quá nhiều hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thâm canh tăng vụ quá nhiều đối với cây mãng cầu, kết hợp việc không vệ sinh vườn cây làm cho sản phẩm không đạt chất lượng, có nhiều sâu bệnh…
Để củng cố thương hiệu sản phẩm mãng cầu Bà Đen cũng như xây dựng sản phẩm này để tham gia chương trình mỗi xã sản phẩm, điều tất yếu là phải nâng cao chất lượng, vấn đề này đã được một số người dân và doanh nghiệp nhận ra và có những thay đổi trong quá trình canh tác. Trong số đó phải kể đến Công ty Cổ phần Natani. Thời gian qua Công ty đã đứng ra quy tụ những nông dân yêu thích trồng mãng cầu chất lượng cao để hợp tác liên kết và thay đổi cách sản xuất sạch theo tiêu chuẩn rõ rãng và từng bước chế biến sâu sản phẩm, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.