Tìm cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường mới
Lạm phát và tình hình khó khăn chung khiến xuất khẩu có dấu hiệu giảm. Việc tìm cách khôi phục thị trường truyền thống và tìm thị trường mới là nỗ lực cần phải tính đến.
Tiềm năng nông sản Việt vào châu Phi
Hiện mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi là gạo. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng thực phẩm sang thị trường này, nhất là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, sản xuất nội khối của châu Phi chưa đủ đáp ứng như sản phẩm chế biến từ cà phê, hạt tiêu, gạo.
Sản xuất gạo của các nước châu Phi chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của khu vực này, nên gạo Việt Nam vẫn còn cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà, Ghana, Mozambique.
Bên cạnh gạo, châu Phi cũng có nhu cầu lớn về cà phê và hạt tiêu. Hàng năm, châu Phi dành khoảng 750 triệu USD để nhập khẩu cà phê. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính.
Hiện mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang châu Phi là gạo. (Ảnh minh họa – Ảnh: TTXVN)
Đáng chú ý, ngoài xuất khẩu thô, một số thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam như Trung Nguyên, King Coffee cũng được khu vực này ưa chuộng.
Thời gian qua, thông qua hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại với khu vực thị trường châu Phi cho thấy, đa phần các nước đánh giá cao và tin tưởng vào chất lượng nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam.
Tăng cường hàng Việt Nam vào siêu thị Singapore
Bên cạnh châu Phi, châu Á cũng là thị trường quen thuộc, có nhu cầu cao về các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế.
Riêng Singapore có nhu cầu về gạo tẻ trắng, gạo thơm, thủy sản đông lạnh, trái cây tươi. Một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các hệ thống siêu thị ở Singapore.
Bên cạnh nỗ lực xúc tiến quảng bá của Thương vụ Việt Nam tại Singapore trong những năm qua, chính chất lượng sản phẩm hàng Việt cũng như mẫu mã ngày càng đẹp và đa dạng đã chinh phục được người tiêu dùng ở đảo quốc sư tử này.
Siêu thị FairPrice – một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất tại Singapore, không quá khó để có thể tìm được những mặt hàng Việt Nam đang được bày bán tại đây với chủng loại đa dạng, từ các loại gạo, cà phê, rau củ, trái cây, hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh cho đến các sản phẩm giấy và chất tẩy rửa.
“Có nhiều hàng Việt Nam được bán ở đây. Tôi thấy là cà phê của Việt Nam rất ngon và thực sự thích sản phẩm này, đặc biệt là cà phê phin. Tôi sẽ thử thêm nhiều sản phẩm của Việt Nam nữa”, bà Margaret, người tiêu dùng Singapore, chia sẻ.
Đại diện hệ thống siêu thị Fairprice cho biết, đến nay đã có tổng cộng trên 800 mặt hàng Việt Nam được bày bán tại hệ thống siêu thị này. Còn nếu tính từ năm 2017, số lượng hàng hóa Việt Nam được nhập về bán tại đây đã tăng trên 50%.
“Có thể thấy các mặt hàng Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến thể hiện qua doanh số tăng lên là do người tiêu dùng Singapore đã nhận ra giá trị và chất lượng của sản phẩm Việt. Ví dụ điển hình là gạo Việt Nam. Năm 2007 chúng tôi đưa vào bán gạo Việt Nam như là sản phẩm thay thế cho gạo Thái Lan và cũng là để đa dạng hóa nguồn hàng, chúng tôi thấy là nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt, doanh số bán hàng rất khả quan và được người tiêu dùng đón nhận”, bà Goh Tsu Ching, Giám đốc Phụ trách nhập hàng quốc tế, Hệ thống Siêu thị Fairprice Singapore, cho biết.
Ngay cả trong thời kỳ COVID-19 vừa qua, thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có sáng kiến tổ chức hội nghị hội chợ Expo trong đó đã hỗ trợ cho 36 doanh nghiệp Việt Nam với hơn 500 mặt hàng giới thiệu tại thị trường Singapore.
“Hiện Singapore mới chỉ đảm bảo nguồn cung 10% cho các mặt hàng thực phẩm và chiến lược của Singapore là trong vòng 10 năm tới mới chỉ chủ động được 30% lương thực thực phẩm. Do đó, thị trường cho sản phẩm thực phẩm nông sản thực phẩm vào Singapore hiện tại vẫn là tiềm năng”, ông Cao Xuân Thắng, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho hay.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết sẽ tiếp tục là đầu mối để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng sang thị trường Singapore thời gian tới, trong đó chú trọng đảm bảo các sản phẩm xuất khẩu đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của Singapore.
Được biết, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Singapore liên tục tăng trong những năm gần đây, từ mốc 4,97 tỷ Đô la Singapore năm 2019 và có khả năng vượt mốc 6 tỷ Đô la Singapore trong năm nay.
Tuy nhiên, Singapore cũng được biết đến là một thị trường đắt đỏ. Với diện tích chỉ bằng 1/5 diện tích của Hà Nội, dân số ít, nhưng hiện đang xếp thứ 11 thế giới về điểm đến của các triệu phú. Do đó, Singapore là thị trường có tính cạnh tranh cao, rất khó tính, đòi hỏi chất lượng hàng hóa tốt và ổn định. Hiểu về thị trường sẽ là cách chúng ta có thể tiếp cận và chinh phục thị trường đó.
Xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Á – Phi
Lạm phát và tình hình kinh tế khó khăn chung toàn cầu đã khiến xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu giảm. Việc tìm cách khôi phục thị trường truyền thống cũng như tìm thị trường mới cũng là nỗ lực cần phải tính đến.
Vai trò xúc tiến thị trường của các tham tán thương mại ở thời điểm hiện tại là rất quan trọng, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của nước ta đang có cơ hội rất lớn tại thị trường Á – Phi.
Khu vực Tây Á đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng nông sản nói riêng sang thị trường này còn nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Saudi Arabia đã tăng 395%. Cơ quan quản lý dược phẩm, thực phẩm của Saudi Arabiacũng đã cấp phép cho 38 doanh nghiệp được xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam sang thị trường này.
Các sản phẩm như: gạo, hạt điều, cá ngừ đóng hộp… là các sản phẩm nông sản được ưa thích tại thị trường này.
Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
“Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm riêng của mình để khẳng định được tên tuổi, vị trí tại thị trường. Các sản phẩm cũng cần phải có chứng nhận hala”, ông Trần Trọng Kim, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia, cho biết.
Không chỉ Tây Á, việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mở rộng cả sang các thị trường Nam Thái Bình Dương.
Tại Australia, các sản phẩm nông sản tươi được nhập khẩu từ Việt Nam đang có chính sách thông quan rất nhanh. Hàng chục tấn nhãn vừa được xuất sang thị trường Australia thành công.
Mở rộng thị trường sang Đông Âu, Trung Đông và Nam Mỹ, thông qua các FTA và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng đang được nỗ lực thực hiện để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước ở thời điểm hiện tại.
“Chúng tôi duy trì chế độ thông tin hai chiều, thông tin thị trường của nước sở tại đối với các hiệp hội và các doanh nghiệp trong nước. Thông tin về nhu cầu và khả năng đáp ứng trong nước đối với thị trường nước ngoài”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Cùng với việc đi từng địa phương ở nước bạn, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường sở tại, Bộ Công Thương cũng đang gấp rút hoàn thành các phòng trưng bày tại các thương vụ trong năm nay nhằm quản bá thương hiệu Việt tới các thị trường mới.
Bên cạnh mặt tích cực, các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi làm ăn tại thị trường châu Phi, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý để tránh rủi ro. Trước khi giao dịch, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để khi cần, các cơ quan chức năng như Thương vụ có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh.
Nguồn: vtv.vn