Thị trường thực phẩm Halal – ‘con gà đẻ trứng vàng’

30/09/2022 HCMC foodex

Thị trường thực phẩm Halal là một miếng bánh lớn hàng nghìn tỉ USD khiến cả những quốc gia phi Hồi giáo như Thái Lan, Hàn Quốc hay xa hơn là Brazil đều tìm cơ hội kinh doanh. Việt Nam có lợi thế lớn nhưng lại chưa tận dụng được thị trường này.

Thực phẩm Halal là những sản phẩm “được cho phép”, “hợp pháp” để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.

Phát biểu tại Hội nghị tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal được tổ chức ở Hà Nội ngày 28-6, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu và vị trí địa lý, Việt Nam lại có vị trí khá khiêm tốn trên bản đồ các nhà cung ứng sản phẩm này.

Theo ông Quang Hiệu, hiện có gần 60 tỉnh thành có các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu nhưng số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chỉ khoảng 1.000.

Do những khó khăn và quy định ngặt nghèo của tiêu chuẩn Halal đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông sản, nguyên liệu đầu vào cho một số ngành như nước giải khát…

Tiêu chuẩn Halal là gì?

Giấy chứng nhận Halal được ví như quyển hộ chiếu cho các sản phẩm thâm nhập vào thị trường Hồi giáo, đơn giản hóa nhiều thủ tục từ vận chuyển đến bảo quản.

Điều này là do ở một số quốc gia có các quy định nghiêm ngặt, yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn Halal “từ A đến Z”, Halal từ con giống và cây giống đến dây chuyền sản xuất và các nguyên liệu phụ khác.

Thị trường thực phẩm Halal - con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 2.

Sản phẩm trái vải đóng hộp của Bắc Giang đang chờ cấp giấy chứng nhận Halal để xâm nhập sâu hơn vào thị trường Hồi giáo. Trong ảnh: Gian hàng trưng bày của tỉnh Bắc Giang tại hội nghị ngày 28-6 – Ảnh: DUY LINH

Khó khăn về quy định là vậy, nhưng nếu doanh nghiệp đáp ứng được, họ sẽ mở cửa một thị trường tiềm năng vô cùng lớn.

Số người Hồi giáo hiện đang chiếm khoảng 24% dân số thế giới và có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2050. Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 lên 1.900 tỉ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỉ USD vào năm 2050.

Đó là còn chưa kể đến sử dụng thực phẩm Halal đang trở thành một xu hướng mới, với niềm tin rằng loại thực phẩm này có chất lượng cao hơn và an toàn hơn.

Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal khi sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào, lại nằm ở châu Á – nơi có khoảng 62% dân số Hồi giáo của thế giới.

Cần cơ quan đầu mối ở Việt Nam

Thị trường thực phẩm Halal - con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 3.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm đường tiêu chuẩn Halal của một công ty ở Thanh Hóa. Sản phẩm Halal của doanh nghiệp này ban đầu được dùng như nguyên liệu Halal đầu vào cho các doanh nghiệp đồ uống ngoại khác. Hiện doanh nghiệp đang ấp ủ sản xuất đồ uống tiêu chuẩn Halal của riêng mình – Ảnh: DUY LINH

Tại hội nghị ngày 28-6, các đại biểu gồm quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã nghe những chia sẻ kinh nghiệm từ người đứng đầu một số đại sứ quán các nước Hồi giáo và những nước phi Hồi giáo.

Câu chuyện của Hàn Quốc và Brazil về việc xây dựng hệ sinh thái Halal cho thấy thị trường này không chỉ dành riêng cho những nước có đông người Hồi giáo hay chỉ gói gọn trong thực phẩm.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Halal vẫn còn mới mẻ.

Có nhiều lý do cho sự chập chững này, theo bà Trần Thị Minh Thu, vụ trưởng Vụ tín ngưỡng và các tôn giáo khác thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng bà Phạm Hoài Linh, phó trưởng phòng Vụ thị trường châu Á – châu Phi của Bộ Công thương.

Về khách quan, việc không có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất trên toàn thế giới tạo ra sự phân mảnh về việc cấp giấy chứng nhận Halal và yêu cầu khác nhau giữa các nước.

Về chủ quan, Việt Nam chưa ký kết các văn bản, thỏa thuận về sản phẩm Halal với các nước khác và chưa có cơ quan quản lý thống nhất ở cấp chính phủ như các nước.

Theo bà Trần Thị Minh Thu, ở Việt Nam hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp của người Hồi giáo và một số tổ chức Hồi giáo cấp giấy chứng nhận Halal mang tính nhỏ lẻ.

Việc thiếu cơ quan của Nhà nước hay một hiệp hội làm đầu mối để điều tiết sẽ gây khó khăn không ít cho hợp tác giữa Việt Nam với các nước khác.

Nhiều đại biểu doanh nghiệp đã đề xuất các cơ quan quản lý của Việt Nam hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal và hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal cũng như các thông tin về hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.

Thị trường thực phẩm Halal - con gà đẻ trứng vàng - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, đại diện các đại sứ quán Hồi giáo tại Việt Nam tham dự hội nghị – Ảnh: BÁO THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Tại hội nghị ngày 28-6, tiến sĩ James Noh, chủ tịch Viện công nghiệp Halal và Hiệp hội xuất khẩu Halal Hàn Quốc, chia sẻ ngành công nghiệp Halal của Hàn Quốc cũng từng gặp nhiều khó khăn tương tự Việt Nam hiện nay.

Các hoạt động đầu tiên của ngành Halal Hàn Quốc xuất hiện vào năm 1994. Tuy nhiên do cộng đồng người Hồi giáo nhỏ (chiếm chưa tới 0,4% dân số) và không có đủ uy tín trên bản đồ Halal (vì là nước phi Hồi giáo) nên Hàn Quốc gặp không ít thách thức trong việc tìm chỗ đứng.

Để vượt qua những trở ngại này, Hàn Quốc đã tìm cách học hỏi kinh nghiệm và hợp tác với các quốc gia Hồi giáo chiếm đa số. Ở trong nước, chính quyền cho thành lập Viện nghiên cứu ngành công nghiệp Halal (KIHI) nhằm nghiên cứu chuyên sâu, đào tạo và cố vấn cho các doanh nghiệp trong ngành Halal Hàn Quốc.

Ngày nay, ngành công nghiệp Halal tại Hàn Quốc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm được cấp chứng nhận Halal, từ mì ăn liền đến kim chi, thực phẩm chức năng, dầu gội đầu và mở rộng ra cả ngành logistics, dịch vụ lưu trú…

Nguồn: tuoitre.vn

Bình luận