‘Sống lại’ những đặc sản ẩm thực vùng cao

27/09/2022 hcmcfoodex
Đào Thanh – Âu Vượng, 16/09/2022, Nông Sản Việt
Bún khô, mắm cá ruộng, bánh gai… là các sản phẩm ẩm thực đặc sản truyền thống ở các bản làng Tuyên Quang đang dần được khôi phục và gắn sao OCOP.
z3683835152210_4a23c24e3eb7a15a1af1b16aae800377

Người dân xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình làm bánh chưng gù, sản phẩm đặc sản ẩm thực của người dân tộc Tày nơi đây. Ảnh: Đào Thanh. 

Người dân tộc Tày ở xã Đà Vị, huyện Na Hang có nghề làm bún khô truyền thống. Bún Đà Vị ngon nổi tiếng khắp các vùng bởi được làm từ gạo Bao thai của địa phương tự cấy trồng trên những thửa ruộng bậc thang nên bún có mùi thơm đặc trưng.

Để làm được mẻ bún ngon, người dân nơi đây khá kỳ công, gạo sau khi được ngâm nước sẽ được nghiền ướt, nhào nặn thành bột, rồi cho vào máy để đùn thành sợi bún to rồi phơi khô. Không giống như bún khô thông thường sẽ nát ngay sau khi chín, bún khô Đà Vị dù nấu đi, đun lại vẫn không hề nát sợi. Sợi bún tuy mềm nhưng vẫn dai.

Gia đình anh Hứa Văn Hướng thôn Phai Khằn, xã Đà Vị có nghề làm bún gia truyền. Hướng sinh năm 1995, tuy còn trẻ nhưng sự nhanh nhạy tiếp cận thịt trường cùng đam mê phát triển nghề truyền thống đã giúp Hướng đưa được sản phẩm bún của quê mình đến thị trường tỉnh bạn.

Hướng cho biết, hiện nay cơ sở sản xuất bún của gia đình anh tạo công ăn việc làm cho 4 lao động, mỗi tháng đưa ra thị trường 3 tấn bún khô. Theo tính toán của gia đình thì 100kg gạo Bao thai làm được khoảng 80kg bún khô. Tại địa phương, bún khô đang được bán với giá 35 nghìn đồng/kg. Sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Bún khô Đà Vị đã có thương hiệu, riêng sản phẩm bún khô của gia đình Hướng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

z3703482329615_5b6632e907e7880b77d05306654d46e0

Bún khô Đà Vị, sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Ảnh: Âu Vượng

Ngoài sản phẩm bún trắng truyền thống, cơ sở của Hướng còn có sản phẩm bún có các màu đỏ, tím, xanh, vàng khá bắt mắt. Gồm bún màu tím được nhuộm màu từ lá cẩm tím, lá cẩm đỏ để nhuộm gạo màu đỏ, củ nghệ để nhuộm gạo màu vàng, lá chùm ngây để nhuộm gạo màu xanh.

Cùng giống như nghề làm bún ở Đà Vị, tại nhiều bản làng ở Tuyên Quang đang dần khôi phục được những nghề làm đặc sản ẩm thực truyền thống như cơm lam, Phú Lâm; bánh gai, mắm cá ruộng Chiêm Hóa; thịt lợn chua, bánh trứng kiến Lâm Binh…

Đến nay nhiều cơ sở đã nỗ lực phát triển, kết nối thị trường và hình thành nên các sản phẩm đạt sao OCOP. Trong đó đã có hơn 20 sản phẩm đặc sản ẩm thực được công nhận đạt sao OCOP, như sản phẩm bún khô Đà Vị, huyện Na Hang đạt 3 sao OCOP; thịt trâu khô Tiến Quang, huyện Chiêm Hóa đạt 3 sao; bánh gai Chiêm Hóa đạt 4 sao OCOP; thịt lợn chua đen Vượng Duy, huyện Lâm Bình, đạt 3 sao…

Bánh gai Chiêm Hóa là sản phẩm kết tinh của văn hóa truyền thống kết hợp với công thức chế biến mang đậm nét cổ truyền của người dân địa phương. Để làm ra bánh ngon, gao được người dân lựa chọn là nếp cái hoa vàng, lá gai, thịt lợn và nhân đỗ xanh, gói bằng lá chuối khô theo phương pháp cổ truyền tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa. Đến nay, huyện Chiêm Hóa đã giao cho HTX Nông lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá, đứng ra quản lý với 7 thành viên đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm bánh gai mang nhãn hiệu Bánh gai Chiêm Hóa.

Bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc cho biết, trung bình mỗi năm HTX sản xuất và tiêu thụ trên 120.000 cặp, với giá bán 10.000 đồng/cặp. HTX đang vận động và kết nạp thêm các thành viên tham gia để liên kết mở rộng sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa được công nhận đạt 4 sao OCOP.

 

Những thức quà quê của người miền núi xưa kia ở Tuyên Quang nay trở thành đặc sản ẩm thực là sản phẩm ẩm thực hàng hóa đặc trưng mang hương vị riêng biệt vùng miền. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch kết hợp với đường giao thông được kiên cố, hiện đại nên việc kết nối thị trường đang giúp các sản phẩm này góp phần nuôi sống, nâng cao thu nhập cho bà con ở các bản làng vùng cao của tỉnh Tuyên Quang.

Bình luận