Quốc tế đánh giá cao cam kết của Việt Nam về hệ thống lương thực thực phẩm

09/06/2023 HCMC foodex

Các quốc gia và tổ chức quốc tế đều đánh giá cao Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (Hội nghị) do Việt Nam đăng cai. Việt Nam đã thể hiện rõ uy tín, vai trò và vị thế của mình với tư cách là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. 

Sau hơn 3 ngày (24.4-27.4) làm việc tích cực, Hội nghị đã chính thức bế mạc vào sáng 27.4, hơn 300 đại biểu tham dự đã cùng thống nhất đưa ra 5 thông điệp chính.

Thứ nhất, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, cũng như giá tiêu dùng và năng lượng cao.

Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao trong cam kết về hệ thống lương thực thực phẩm. Nguồn:ITN

Thứ hai, việc chuyển đổi cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn cách thức chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.

Thứ ba, cần gắn với các yếu tố có liên quan bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại… đồng thời sử dụng cách tiếp cận bao trùm, đa ngành, đa lĩnh vực.

Thứ tư, ở cấp quốc gia đòi hỏi phải có đủ quyết tâm chính trị và sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các bên liên quan từ trung ương tới địa phương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, khu vực nhà nước và tư nhân.

Thứ năm, cần huy động các nguồn lực bao gồm khoa học công nghệ, tài chính, sự tham gia và đổi mới sáng tạo. Trong đó, nguồn lực và chính sách tài chính cần nhất quán và toàn diện ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương. Các chính sách tài chính cần tiếp cận trên 3 khía cạnh: tạo động lực, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế rất ghi nhận về vai trò tiên phong của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững. Những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị một lần nữa khẳng định mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững. Đặc biệt, Việt Nam đã biến các cam kết thành các hành động mạnh mẽ, cụ thể từ Trung ương tới địa phương để thực thi bằng “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” (Kế hoạch).

Việt Nam cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu. Để triển khai Kế hoạch hiệu quả, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế như: FAO, UNDP, UNIDO, WWF, One CGIAR, CIAT, IRRI… và các đối tác phát triển khác để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia này.

Để chuyển đổi thành công Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp mong muốn có sự đồng hành, phối hợp của các

tổ chức quốc tế. Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, cùng phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng cường giáo dục, truyền thông cho cộng đồng về thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng hợp lý.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ triển khai, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối. Đồng thời, kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cũng cần được triển khai thực hiện.

“Việt Nam mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Hạnh Nhung

Nguồn: daibieunhandan.vn 

Bình luận