Ngành thực phẩm: Đổi mới để tăng sức cạnh tranh

05/04/2024 HCMC foodex

Ông Phạm Đăng Khánh, Phó Tổng Giám đốc Vinexad cho biết, triển lãm quốc tế về ngành thực phẩm đồ uống năm nay sẽ quy tụ 800 gian hàng của 700 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đó, triển lãm sẽ có hơn 10.000 nhãn hiệu sản phẩm khác nhau từ thực phẩm đồ uống, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thủy sản, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… với những thế mạnh đặc trưng. Điển hình như Ấn Độ nổi tiếng với các sản phẩm gia vị, ngũ cốc thực phẩm, trái cây khô, thịt trâu không xương đông lạnh; Ba Lan được biết đến với các dòng đồ uống chiết xuất hoa quả và bánh kẹo…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩmĐẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

“Các doanh nghiệp thực phẩm nước ngoài như Medallion Milk Co.; U.S. Soybean Export Council (USSEC); Shinsho Corporation; Sweet Brands Sp. Zo.o.; The Foodie Hub SDN BHD; Kirirom Food Production (K.F.P) Co., Ltd.; Globals Trade Food Llc…đem đến xu hướng công nghệ mới, các sản phẩm sáng tạo, công nghệ tiên tiến và đặc biệt là cách tiếp cận mới trong việc sản xuất, chế biến và đóng gói thực phẩm, đồ uống. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước xây dựng mối quan hệ kinh doanh và hợp tác với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối quốc tế, góp phần mở rộng chuỗi liên kết toàn cầu” – ông Khánh nhấn mạnh.

Theo Hội lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới đang có nhiều chuyển biến tích cực, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên gắn với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng trưởng bình quân 7,04%/năm giai đoạn 2018-2022.

Tuy nhiên, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng yêu cầu cao hơn về tính bền vững đối với sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, chế biến lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống không tránh khỏi sự sụt giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành đang rất cần các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động; tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, sự sụt giảm trong ngành lương thực, thực phẩm đến từ cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài. Xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp. Cùng với đó là sức mua tại thị trường nội địa chưa phục hồi, chưa kích thích nhiều sản xuất của các doanh nghiệp. Song song với đó, hiện các doanh nghiệp vẫn đang gặp những khó khăn trong việc tiếp cận vốn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao khiến khả năng hấp thụ vốn trở nên yếu hơn.

“Ngành lương thực, thực phẩm có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội đang đứng trước yêu cầu đổi mới để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới tập trung vào tính bền vững; nâng cao khả năng chống chọi bằng các giải pháp nhằm tăng sự linh hoạt và khả năng thích ứng khi có sự thay đổi từ chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới, tăng tính minh bạch và an toàn, giảm chi phí quản lý và sản xuất. Năng lực số hóa cũng sẽ giúp chuẩn hóa quá trình, chất lượng sản xuất và cung ứng giảm sự phụ thuộc con người. Đặc biệt, tự động hóa và công nghệ 4.0 sẽ có tác động sâu sắc đến ngành công nghiệp thực phẩm, giúp các doanh nghiệp cải thiện rất lớn nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cả thị trường trong và ngoài nước”, chuyên gia khuyến cáo.

Tuyết Anh

Bình luận