Mới mẻ thị trường ‘thịt thực vật’
Nhiều ý kiến cho rằng xu hướng tiêu dùng thực phẩm trên thế giới và Việt Nam đã thay đổi, hướng đến bảo vệ sức khỏe nhiều hơn. Đặc biệt, người tiêu dùng đang có trào lưu sử dụng nhiều thực vật thay cho thịt động vật.
Nói về xu hướng tiêu dùng mới, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng Giám đốc Công ty Vinamit khẳng định, xu hướng bữa ăn nhiều thực vật đang phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy. Hiện nay không chỉ có những người theo tôn giáo ăn chay mà rất nhiều người thường tìm đến những món chay. Đây là lý do tại sao các quán chay, nhà hàng chay mọc lên ngày càng nhiều. “Doanh nghiệp nên nắm xu hướng của thị trường để thay đổi cơ cấu, chủng loại sản phẩm cho phù hợp nhằm chiếm lĩnh thị trường” – ông Viên nói. Nắm bắt đúng xu hướng thị trường tiêu dùng kiểu mới, lãnh đạo Vinamit nhanh chóng đưa ra thị trường sản phẩm thịt mít non Vegan. Nguyên liệu mít non có cấu trúc dai như thịt bò, điều này kích thích ăn uống cho người tiêu dùng.
Ông Lê Huy – đại diện Công ty TNHH sản xuất kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề cho hay, đơn vị mất 2 năm để hoàn thiện sản phẩm thịt thực vật thương hiệu VMEAT. Theo ông Lê Huy, sản phẩm thịt thực vật đang còn mới đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian tới thị trường này sẽ bùng nổ vì xu hướng tiêu dùng kiểu mới với khoảng 1.000 tỷ đồng. Người tiêu dùng hướng đến sử dụng “thịt thực vật” thay vì thịt động vật. Hiện, thịt xay thực vật có giá khoảng 297.000 đồng/kg, chả lụa 220.00 đồng/kg, nhân burger 450.000 đồng/kg,… Ngoài những sản phẩm thịt thực vật “made in Vietnam”, thị trường còn ghi nhận sản phẩm thịt thực vật nhập khẩu của Beyond Meat (Mỹ) với những dòng sản phẩm thịt xay, xúc xích, burger, thịt bò xay chay, thịt viên chiên thuần chay với giá khá đắt đỏ. Tương tự Beyond Meat, còn có những sản phẩm thịt thực vật xuất xứ từ Rumani như: thịt thực vật xúc xích cải bó xôi bratwurst – giống xúc xích heo kiểu Đức, thịt thực vật xúc xích Kielbasa – giống xúc xích heo kiểu Ba Lan,…
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, sau dịch bệnh người tiêu dùng quan tâm hơn về miễn dịch và sức khỏe. Bên cạnh đó, môi trường thiên nhiên bị tổn thương nên những yếu tố này chi phối hành vi mua hàng. Bà Hạnh dẫn chứng thêm: “Khi tham quan hơn 1.000 gian hàng tại hội chợ Thaifex 2022 ở Thái Lan, tôi ngạc nhiên khi đâu đâu cũng thấy sản phẩm thịt thực vật”. Thị trường thịt thực vật toàn cầu dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 15% mỗi năm, năm 22025 lên tới 27,9 tỷ USD. Năm 2019, thị trường thịt thực vật toàn cầu đã đạt khoảng 12,1 tỷ USD.
Chia sẻ về xu hướng thị trường lương thực thực phẩm, TS Nguyễn Đức Vượng – Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ thực phẩm thuộc Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng người tiêu dùng quan tâm hơn và hiểu biết hơn trong lựa chọn thực phẩm. Xu hướng hiện nay, thực phẩm tốt cho sức khỏe sử dụng đạm thay thế, thực phẩm chứa lợi khuẩn. Doanh nghiệp cần nghiên cứu toàn diện về nhu cầu người tiêu dùng để đáp ứng đúng, đủ. Trong đó, phải tăng cường trách nhiệm để phát triển bền vững hơn.
Để có được những sản phẩm tốt cho sức khỏe, đòi hỏi những nguyên liệu hay phụ gia thực phẩm cũng cần phải đảm phải đảm bảo về các yếu tốt trên. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy (Hiệp hội khoa học Công nghệ thực phẩm Việt Nam) nhận định, chất lượng thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hiện các công ty sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đòi hỏi nguyên liệu đầu vào khắt khe hơn và chất lượng thực phẩm hay độ an toàn về thực phẩm tại các công ty Việt Nam cũng có chuẩn đầu vào cao hơn chuẩn quốc tế. Đây cũng là một tín hiệu vui cho ngành thực phẩm Việt Nam. Cũng theo ông Duy, nguyên liệu đầu vào đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của sản phẩm. Để có thể có được những sản phẩm chất lượng an toàn, ngon, đáp ứng về tăng cường sức khỏe cần phải có nguyên liệu tốt. Tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm rất lớn nhưng tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lên đến 90%.
Nguồn: daidoanket.vn