Doanh nghiệp tăng tốc nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm

12/10/2022 HCMC foodex

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng đang tăng cường thu mua nguyên liệu bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm 2022.

Doanh nghiệp tăng tốc nguồn cung thực phẩm cho thị trường cuối năm

Doanh nghiệp thực phẩm chuẩn bị nguồn hàng cuối năm. Ảnh: D.N

Chủ động chuẩn bị nguồn hàng 

Ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc phụ trách ITPC – cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến tất cả mọi người phải xem xét lại những gì quan trọng và ưu tiên giá trị. Điều quan trọng là các thương hiệu phải quản lý các ưu tiên của người tiêu dùng đang thay đổi để duy trì cho phù hợp.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gãy, Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn.

Phân tích về hành vi khách hàng, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung – Quản lý cấp cao Công ty NielsenIQ-Vietnam SMB Lead – cho biết, giá cả hợp lý, vừa túi tiền; nhãn hàng có chất lượng vượt trội so với các nhãn hàng khác; luôn sẵn có sản phẩm tại cửa hàng người tiêu dùng đến mua; cung cấp dịch vụ khách hàng tốt khi cần,… là những yếu tố tác động đến người tiêu dùng khi cân nhắc lựa chọn một sản phẩm hay nhãn hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng cần nghiên cứu các yếu tố, góc nhìn khác nhau của người tiêu dùng để có chiến lược tiếp cận hiệu quả nhất.

Cụ thể, từ tháng 9, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì. Việc chủ động tích trữ sớm giúp doanh nghiệp tránh được biến động về giá nguyên, vật liệu, biến động tỉ giá. Sản lượng bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cuối năm dự báo tăng khoảng 30%, do đó theo đại diện doanh nghiệp, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm.

Nắm bắt thông tin thị trường 

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thông thường, những tháng cuối năm 2022 sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua nguyên liệu, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào nhưng các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam vẫn phải nhập đến 90%. Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi hàng tỉ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

Số liệu thống kê từ Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9.2022, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỉ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, thủy sản, rau quả…

Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng thông tin, giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thực phẩm đang có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và sẽ cân nhắc giảm từ 5-15% giá bán sản phẩm hàng hóa.

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh – cho biết, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có.

Nguồn: laodong.vn

Bình luận