Doanh nghiệp lương thực thực phẩm đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả chương trình Bình ổn thị trường

20/10/2022 HCMC foodex

Cần phân luồng lại các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường giai đoạn 2022-2032.

Chương trình Bình ổn thị trường – đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung cầu hàng hóa

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” ngày 21/10, bà Lý Kim Chi – Chủ Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để gia tăng hiệu quả, tạo sự đột phá chương trình Bình ổn thị trường.

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả chương trình Bình ổn thị trườngBà Lý Kim Chi – Chủ Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp gia tăng hiệu quả, tạo đôt phá Chương trình Bình ổn thị trường

Bà Lý Kim Chi nhìn nhận, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và triển khai liên tục Chương trình Bình ổn thị trường từ năm 2002 đến nay và đã trở thành thương hiệu riêng của TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình đã quy tụ nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực và hầu hết các doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp hội viên của Hội Lương thực Thực phẩm đã tham gia ngay từ đầu và xuyên suốt tới giờ.

Theo thời gian không những không có doanh nghiệp nào rời chương trình hàng bình ổn mà chỉ có tăng thêm về số lượng doanh nghiệp tham gia. Qua đó, đã tạo sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh mà hiện nay đã được nhân rộng và triển khai đều ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước” – Chủ Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 và thời điểm mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua trong nước, thì việc giữ ổn định thị trường nội địa thông qua Chương trình Bình ổn thị trường có ý nghĩa rất quan trọng và đã phát huy hiệu quả tích cực không chỉ riêng tại TP. Hồ Chí Minh mà còn đóng góp lớn đến sự ổn định, cân đối cung cầu hàng hóa cả khu vực phía Nam.

Doanh nghiệp lương thực thực phẩm đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả chương trình Bình ổn thị trườngChương trình Bình ổn thị trường tạo sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh mà hiện nay đã được nhân rộng và triển khai đều ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước

“Chúng tôi và các doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm: Tham gia bình ổn thị trường vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp và cam kết thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường xuyên suốt một cách trách nhiệm, luôn dự trữ, cung ứng đủ hoặc vượt số lượng hàng hóa TP. Hồ Chí Minh giao. Bởi, thực tế từ khi có chương trình bình ổn, thì tình trạng tích trữ hàng trước, chờ đến Tết để nâng giá lên không còn nữa. Cùng với đó, doanh nghiệp bình ổn luôn bảo đảm nguồn hàng dồi dào và khi thị trường biến động, doanh nghiệp sẽ có ngay lượng hàng đáp ứng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thực tế đã chứng minh trong đợt dịch Covid-19 vừa qua” – bà Lý Kim Chi chia sẻ.

Cần phân luồng lại các kênh chợ truyền thống, hỗ trợ hệ thống phân phối bán lẻ

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, chương trình Bình ổn thị trường đã giúp các doanh nghiệp xác lập được sự tín nhiệm của đối tác, người tiêu dùng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hội viên gắn bó với chương trình như: Satra, Sagri, Cholimex, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, San Hà, Vinamilk… đã phát triển lớn mạnh, có sự tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, doanh số và khẳng định được thương hiệu.

Ngoài ra, thông qua việc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các doanh nghiệp được tiếp cận các gói vốn vay ưu đãi để đầu tư nuôi trồng, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ, cung ứng hàng hóa… Cùng với đó, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh, thành và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Nhờ vậy mà người dân TP. Hồ Chí Minh luôn được tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu với giá bình ổn, chất lượng bảo đảm. Kể cả khi chi phí sản xuất tăng cao như thời gian qua, nhất là những lúc giá cả biến động đột xuất hoặc leo thang, các doanh nghiệp hội viên tham gia Chương trình Binh ổn thị trường đã luôn chủ động san sẻ lợi ích cho người tiêu dùng, rất hạn chế tăng giá ở nhiều nhóm hàng để đạt lợi ích chung là kích cầu tiêu dùng lên tốt nhất. Đồng thời giữ ổn định giá bán theo khung giá của chương trình, góp phần “hạ nhiệt” mặt bằng giá chung, tạo niềm tin và tác động tích cực trong bối cảnh xã hội và thành phố khó khăn. Đây chính là yếu tố quyết định cho thành công của Chương trình Bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh thời gian qua.

Có thể thấy, qua 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Bình ổn thị trường đã khẳng định được tính hiệu quả và hướng đến mục tiêu quan trọng nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung các giải pháp để khắc phục và nâng cao hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới.

Do đó, để gia tăng tính hiệu quả của Chương trình Bình ổn thị trường, Chủ Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh kiến nghị các Sở, ban, ngành phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường trong giai đoạn 2022-2032. Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ thông qua hệ thống phân phối của họ tiếp cận và tăng cường đưa sản phẩm Bình ổn thị trường đến các nhóm khách hàng chuyên nghiệp là nhà hàng, khách sạn, công ty… để người tiêu dùng nhiều nơi có thể sử dụng hàng hóa bình ổn dễ dàng với giá tốt.

Song song đó, các sở ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… đều cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng thì hiệu quả của chương trình bình ổn sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ truyền thông nhận diện thương hiệu của chương trình để giúp người dân dễ dàng nhận diện hình ảnh thương hiệu và tin tưởng sử dụng.

Đến nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.

Minh Khuê
Nguồn: congthuong.vn

Bình luận