Doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, khó nhưng nhiều cơ hội

06/10/2022 HCMC foodex

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trẻ của các bạn trẻ ra đời từ những dự án nông nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các địa phương, tạo thành phong trào “khởi nghiệp xanh”.

Sản phẩm của các doanh nghiệp này từng bước được ưa chuộng không chỉ ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu đến những thị trường thực phẩm khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Chủ của các doanh nghiệp trẻ là các bạn trẻ khẳng định: khởi nghiệp xanh không dễ nhưng phải làm, đồng thời muốn xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững thì sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng ngay từ đầu.

Khởi nghiệp xanh – thêm chứng nhận, thêm thị trường

Khởi nghiệp từ đầu năm 2018 với ý tưởng sản xuất thực phẩm từ mật hoa dừa, sau hơn một năm chuẩn bị, đến tháng 9/2019 doanh nghiệp Mật hoa dừa Sokfarm của Phạm Đình Ngãi ở tỉnh Trà Vinh mới cho ra thị trường sản phẩm đầu tiên: nước uống mật hoa dừa Sokfarm. Đến nay, Sokfarm đã đạt được một số chứng nhận chất lượng thực phẩm trong và ngoài nước, có 7 sản phẩm đang bán tại hơn 40 tỉnh, thành trong nước và xuất chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan.

doanh nghiep khoi nghiep xanh, kho nhung nhieu co hoi hinh anh 1

Sản xuất mật hoa dừa tại doanh nghiệp Mật hoa dừa Sokfarm, tỉnh Trà Vinh.

Theo anh Ngãi, chủ doanh nghiệp này, ngay từ đầu anh và người đồng sáng lập đã xác định phải sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu, dù mất thời gian và vốn đầu tư ban đầu lớn. Thế là, những quy chuẩn từ phòng Lab đã được Ngãi đem ra áp dụng trong xưởng sản xuất. Mỗi lần doanh nghiệp được kiểm định và cấp chứng nhận chất lượng là một lần có thêm thị trường mới.

“Khi chọn sản xuất thì phải căn cứ từ tiêu chuẩn, đó là những cơ sở cơ bản nhất để giúp kiểm soát tất cả các quy trình từ sản xuất đến tay người tiêu dùng. Điều đó rất quan trọng và luôn đặt lên hàng đầu. Rõ ràng khi mình đã sản xuất theo tiêu chuẩn thì rất yên tâm về sản phẩm của mình, ấn tượng với khách hàng tốt hơn, thương hiệu của mình cũng dễ dàng đi xa hơn” – anh Ngãi nói.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt ở TP.HCM cũng là một doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp xanh trong nông nghiệp. Chỉ bắt đầu sản xuất từ năm 2019 nhưng đến nay, sản phẩm chủ lực của công ty là các loại bột rau sấy lạnh đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu đi một số quốc gia khác. Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc công ty khẳng định, được như vậy chính là nhờ doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn chất lượng ngay từ đầu.

Chị Hương luôn tâm niệm rằng, một sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Việt Nam nhưng phải đạt chứng nhận đẳng cấp quốc tế: “Từ đầu tôi muốn làm một sản phẩm từ tài nguyên bản địa Việt Nam phục vụ cho người Việt Nam với chất lượng quốc tế, từ đó tôi có cơ hội bán hàng quốc tế. Những ngày đầu, tôi lấy tiêu chuẩn từ EU, từ Mỹ về áp vào thực hiện ở xưởng của mình nên sau 3 năm xây dựng thì doanh nghiệp đạt chuẩn rất nhanh. Vì nhà xưởng quy hoạch theo chuẩn ngay từ đầu rồi chứ không phải đợi doanh nghiệp lớn rồi mới làm tiêu chuẩn”.

doanh nghiep khoi nghiep xanh, kho nhung nhieu co hoi hinh anh 2Nguyễn Ngọc Hương (áo xanh), Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt khẳng định chỗ đứng trên thị trường với dòng sản phẩm bột rau sấy lạnh.

Khởi nghiệp xanh – cần có những “bà đỡ”

Từ những ý tưởng, dự án khởi nghiệp nông nghiệp trên giấy, muốn trở thành hiện thực, sản xuất ra sản phẩm và tìm được thị trường, doanh nghiệp trẻ rất cần sự hướng dẫn, hỗ  trợ của các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp với cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp- đổi mới sáng tạo” cùng Công ty cổ phần Vinamit là hai trong số những tổ chức, doanh nghiệp thực hiện điều này.

Sau cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp- đổi mới sáng tạo”, Trung tâm đã tổ chức 391 lớp tập huấn (online và offline) cho 28.800 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn Haccp, Localgap, Globalgap, ISO đủ tiêu chuẩn xuất khấu; đưa hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp đi dự các hội chợ thương mại trong và ngoài nước.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm cho rằng, hầu hết các dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ trong nông nghiệp đều mong muốn tác động đến xã hội, tạo ra việc làm cho người dân và khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương. Đáng mừng hơn nữa, các dự án đều chú trọng đến ứng dụng công nghệ trong triển khai thực hiện các yêu cầu xanh, sạch trong sản xuất. Đó cũng là những xu hướng trong sản xuất và sử dụng thực phẩm của thị trường thế giới nên các doanh nghiệp trẻ cần được hỗ trợ để phát huy. Trung tâm này sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp số hóa sản xuất và sản phẩm của mình ngay từ bao bì.

“Chúng tôi đang chuẩn bị hướng dẫn cho doanh nghiệp làm QR code trên bao bì. QR code này có thể dùng để cho khách hàng đặt hàng, tương tác với người bán, người chủ QR code nâng bao bì trở thành công cụ tương tác, rất sống động chứ không chỉ đơn thuần là một tờ giấy vô hồn” – bà Vũ Kim Hạnh nói.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, từ năm 2015 trở lại đây, xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi, nhất là sau dịch COVID-19, người tiêu dùng Việt Nam và cả thế giới quan tâm đặc biệt đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, nguồn gốc thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Vì vậy, “khởi nghiệp xanh” trong nông nghiệp có nhiều cơ hội. Thêm vào đó, thương mại điện tử phát triển và việc số hóa ngày càng nhiều khâu trong sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp hiện thực hóa ý tưởng và tìm được thị trường.

Hành trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong nông nghiệp, luôn cần sự hướng dẫn, tư vấn của các chuyên gia, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp lớn và cả những yêu cầu ngày càng cao của thị trường để doanh nghiệp khởi nghiệp nỗ lực đạt thêm tiêu chuẩn chất lượng, đón nhận những cơ hội lớn hơn./.

Bình luận