Công ty Vissan: Khẳng định vị thế trên thị trường thực phẩm
Vừa chịu sức ép tác động kép của chi phí đầu vào và dịch Covid-19, tuy nhiên với sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Ngọc An,Vissan vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh doanh.
Vừa chịu sức ép tác động kép của chi phí đầu vào và dịch Covid-19, đồng thời gánh trọng trách bình ổn thị trường, tuy nhiên, với sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Ngọc An, Vissan vẫn duy trì đà tăng trưởng kinh doanh nhờ có chuẩn bị kỹ và hướng đi mới.
Ông Nguyễn Ngọc An – CEO Vissan
Ông Nguyễn Ngọc An – CEO Vissan – cho biết, trong hai năm trở lại đây, thị trường có nhiều biến động, giá thức ăn chăn nuôi cùng các chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, song Vissan đã kịp thời đưa ra những quyết sách hoạt động phù hợp cho từng thời điểm. Điển hình, năm 2022 – sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và Covid-19, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tuy giá heo giống đầu vào dùng cho sản xuất và giá heo hơi đầu ra đều giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục khiến chi phí sản xuất ở mức cao, lợi nhuận của người chăn nuôi thấp; thậm chí, một số hộ nhỏ lẻ còn bị thua lỗ. “Giá đầu vào liên tục tăng trong khi giá thịt và sản phẩm chế biến bán ra không theo kịp ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi đó, Vissan là doanh nghiệp bình ổn nên mỗi lần điều chỉnh giá phải tính toán rất kỹ” – ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ.
Vissan tiếp tục xây dựng các giải pháp nhằm chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu
Trong bối cảnh đó, ngoài rà soát các chi phí để giảm tối thiểu trong thời điểm biến động giá, Vissan cũng cân nhắc đưa ra các mặt hàng gì, có phù hợp với thị trường hay không? Đồng thời, phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững nhờ đầu vào chuẩn với con giống ưu việt, quy trình chăn nuôi hiện đại giúp tối ưu chi phí vận hành, đầu ra sản phẩm chất lượng cao.
Nhờ đó, dù khó khăn bủa vây song trong quý II/2022, doanh thu từ mảng thực phẩm chế biến của công ty vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt 1.878 tỷ đồng, lãi sau thuế lũy kế 66 tỷ đồng. Với lãi trước thuế gần 84 tỷ đồng sau 6 tháng, công ty đã thực hiện được hơn 49% mục tiêu lãi 170 tỷ đồng đề ra cho năm 2022.
Đáng chú ý, với quyết tâm trở thành công ty chế biến thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam cũng như trong khu vực, Vissan đã có những chiến lược phát triển kinh doanh bằng cách liên tục tung ra những sản phẩm mới nhằm hoàn thiện được chuỗi cung ứng từ trang trại cho đến bàn ăn. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ có những bước đột phá mới, phát huy được hết nội lực nhằm đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Trong chiến lược xây dựng hệ thống phân phối, Vissan chủ yếu tập trung vào việc khai thác các kênh phân phối, gồm 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, 1.000 siêu thị, như Coopmart, Satra Food, cửa hàng tiện lợi và 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên cả nước. Đối với những cửa hàng của riêng Vissan, công ty chú trọng củng cố, xây dựng; cửa hàng không phù hợp sẽ được giải thể.
CEO Nguyễn Ngọc An tiết lộ, dù năm 2022 còn nhiều thách thức nhưng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.000 tỷ đồng và tiếp tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài, mở rộng kênh phân phối và thị phần tại các thị trường trọng điểm mới. Đồng thời, hoàn tất các thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu Vissan tại các quốc gia đang kinh doanh sản phẩm của công ty.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Vissan tiếp tục xây dựng các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed-Farm-Food, có thể đáp ứng 20 – 30% nhu cầu của công ty trong dài hạn. Tập trung triển khai mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt heo, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau, đặc biệt chú trọng đến kênh bán hàng trực tuyến. |