Thụy Sĩ chỉ tự túc được 12% thủy sản – Cơ hội lớn cho hàng Việt

30/09/2022 hcmcfoodex

Bảo Ngọc, 30/09/2022, vasep.com.vn

 

Nguồn cung thủy sản nội địa của Thụy Sĩ chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu tiêu thụ nên phụ thuộc chủ yếu vào thủy sản nhập khẩu. Đây hiện đang là thị trường giàu tiềm năng cho thủy sản Việt Nam.

 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Thụy Sĩ trong 8 tháng năm 2022 đạt 21,3 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sĩ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước trong 3 tháng đầu năm 2022, sau đó đã giảm kể từ tháng 4 đến tháng 7/2022.

Tháng 8/2022, xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sĩ tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do xuất khẩu tháng 8/2021 ở mức thấp do tình trạng phong tỏa tại các tỉnh phía Nam để phòng chống dịch Covid-19.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Thụy Sĩ chủ yếu là tôm và cá tra đông lạnh. Trong đó, tôm đông lạnh chiếm 80,8% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sĩ; cá tra đông lạnh chiếm 17,4%. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu còn lại gồm: cá ngừ đông lạnh, nghêu đông lạnh, lươn đông lạnh… Việt Nam hiện là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 2 cho Thụy Sĩ, sau Na Uy.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu thủy sản (HS 03, 1604, 1605) của Thụy Sĩ đạt 454,6 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Thụy Sĩ chiếm 11,3%.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: nhìn chung, Thụy Sĩ là thị trường xuất khẩu thủy sản còn nhiều tiềm năng. Mặc dù diện tích và dân số không cao, nhưng Thụy Sĩ là nước có nền kinh tế phát triển và giàu có.

Nguồn cung thủy sản nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu tiêu thụ nên thị trường này phải phụ thuộc chủ yếu vào thủy sản nhập khẩu. Hàng năm, Thụy Sĩ nhập khẩu khoảng 75 nghìn tấn cá và trên 115 nghìn tấn tôm.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Thụy Sĩ, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm.

Thụy Sĩ là thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm nhập khẩu rất cao, có chế độ cấp phép nhập khẩu rất chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả thực phẩm bán tại Thụy Sĩ phải tuân thủ quy định về dán nhãn thực phẩm của châu Âu và Thụy Sĩ.

Đáng chú ý, người tiêu dùng nước này rất quan tâm đến các nhãn hiệu sinh thái và sẵn sàng trả thêm nếu sản phẩm đáp ứng yêu cầu về sức khỏe và môi trường. Thụy Sĩ rất coi trọng tiêu chuẩn MSC (Hội đồng Quản lý Biển) và là nước trong nhiều năm có số lượng sản phẩm thủy sản dán nhãn MSC lớn nhất thế giới. Nhu cầu thủy sản từ nghề khai thác thủy sản đạt chứng nhận MSC đang gia tăng.

Bên cạnh đó, có nhiều công ty kinh doanh cá thịt trắng, cá hồi, cá trích và cá ngừ ở Thụy Sĩ đã đạt chứng nhận COC (chuỗi chứng nhận sản phẩm an toàn) và sử dụng nhãn MSC trên sản phẩm thủy sản của mình.

Đối với sản phẩm nuôi, ASC (Hội đồng Quản lý Nuôi thủy sản) cũng đang nổi lên một tiêu chuẩn quan trọng và ngày càng được nhiều khách hàng yêu cầu tại Thụy Sĩ. Logo ASC có mặt trên nhiều sản phẩm cá rô phi và cá tra ở nhiều siêu thị của Thụy Sĩ. Nhiều công ty và các nhà bán lẻ của nước này đã tăng cường nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thủy sản nuôi có chứng nhận ASC.

 

Bình luận