Theo thống kê của Bộ Công thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống (F&B) bình quân hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Tổng giá trị bán lẻ F&B đạt 54,9 tỷ USD vào năm 2021. Đây là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho ngành F&B tại châu Á.
Thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đang phát triển liên tục và mạnh mẽ
Riêng 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành đồ uống Việt Nam tăng trưởng vượt bậc khi đạt mức tăng 26,8%; trong đó bia là sản phẩm có mức tăng trưởng khá tốt khi tăng hơn 31%. Riêng tại TP.HCM trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm tăng 11,9% và ngành đồ uống tăng 52,8%. Không dừng lại ở đó, thống kê của Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành F&B Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.
Đại diện Hiệp hội khoa học công nghệ thực phẩm Việt Nam cho rằng, chất lượng thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hiện các công ty sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đã đòi hỏi chất lượng nguyên liệu đầu vào khắt khe hơn. Và đây cũng lại là khó khăn lớn hiện nay của các doanh nghiệp, vì nguyên liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của sản phẩm thực phẩm. Dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập đến 90%. Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.
Và cũng vì thế, thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt đang còn rất nhiều dư địa, mang đến cơ hội kinh doanh đáng kể cho các công ty trong và ngoài nước. Thời gian qua, thị trường F&B của Việt Nam cũng đang là đích đến “sáng giá” cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài so với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành F&B phát triển. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Được đánh giá là nơi tập trung số lượng doanh nghiệp ngành F&B lớn nhất nước với những công nghệ hiện đại tiên tiến bậc nhất, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp sau đại dịch, TP.HCM đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển ngành F&B trong nước và xuất khẩu. Các hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm thêm khách hàng mới mà còn tạo cơ hội mở rộng thị trường, giao thương với các đối tác nước ngoài.
Về nguồn nguyên liệu, theo PGS-TS. Lê Nguyễn Đoan Duy, Hiệp Hội Công nghệ thực phẩm Việt Nam, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có. “Hy vọng thời gian tới xu hướng mới trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh. Bởi vì ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… Các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động về nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”, ông Duy nói.
Minh Lâm
Nguồn: thoibaonganhang.vn