Bảo đảm nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn

21/10/2022 HCMC foodex

“Đến hẹn lại lên”, những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân luôn tăng cao. Do vậy, việc bảo đảm giá cả, nguồn cung cũng như chất lượng, an toàn thực phẩm được ngành Nông nghiệp Thủ đô cùng các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, sản phẩm nông nghiệp sản xuất của thành phố mới đáp ứng 30-65% nhu cầu của hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể, với sản phẩm gạo, Hà Nội đáp ứng 65,6%; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm hơn 94%…

Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu. Trong đó, hiện nay, thành phố đã xây dựng và duy trì 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ với hơn 1.800 điểm siêu thị, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cơ sở chuyên kinh doanh nông sản ở Thủ đô đang phân phối sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội phối hợp với nhiều địa phương trong cả nước liên kết xây dựng được 786 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản (chiếm 48% tổng số chuỗi của cả nước) với 670 điểm bán hàng. Hiện nay, các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng, an toàn cho người dân Thủ đô.

Để bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho thị trường trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2022, trong Công văn số 3439/UBND-KTTH ngày 14-10-2022, về việc triển khai thực hiện các biện pháp điều hành, bình ổn giá năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các ngành và địa phương đánh giá tình hình, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành Nông nghiệp Thủ đô cùng các địa phương là tập trung thu hoạch lúa vụ mùa và chủ động triển khai kế hoạch vụ đông trên cơ sở điều chỉnh phù hợp về cơ cấu cây trồng, diện tích gieo trồng. Trong đó, ngành Nông nghiệp tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tiếp tục tái đàn, nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời chỉ đạo các địa phương trồng rải vụ các lứa rau, đặc biệt quan tâm phát triển ổn định các vùng trồng rau xanh lớn trên địa bàn thành phố.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là để bảo đảm cây trồng, vật nuôi phát triển ổn định, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung sản xuất theo hướng an toàn, quy mô lớn. Đồng thời có biện pháp kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nỗ lực hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất, qua đó bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm.

Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần chủ động phối hợp với ngành Công Thương và các địa phương tăng cường tổ chức hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn. Cùng với đó là đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để các loại lương thực, thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc có “đất sống”.

Vai trò của người tiêu dùng cũng rất quan trọng, phải tẩy chay ngay những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và thông báo đến cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm để có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Chỉ có như vậy chúng ta mới tiếp cận và được sử dụng sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng cho từng bữa ăn.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Bình luận