Bánh chưng Cát Trù: Đặc sản ngày Tết, sản vật dâng Giỗ Tổ
Mạnh Thuần, 02/02/2022, Nông Sản Việt
Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) nức tiếng với nghề làm bánh chưng ngày Tết. Bánh chưng nơi đây nổi tiếng vì được chọn làm lễ dâng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.
Mỗi khi Tết đến xuân về, trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều người dân và du khách thập phương lại về xã Cát Trù (nay là khu Phú Cát, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) để tìm mua bánh chưng Đất Tổ – thương hiệu “Bánh chưng dâng Vua” nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh từ nhiều năm nay.
Các cơ sở làm bánh chưng Tết ở Cát Trù nhộn nhịp những ngày giáp Tết. Ảnh: Mạnh Thuần.
Bà Nguyễn Thị Ảnh, chủ cơ sở bánh chưng Chính Ảnh nổi tiếng, 7 lần đoạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng các Vua Hùng cho biết: “Chúng tôi luôn rất tự hào bởi vào ngày Giỗ Tổ hàng năm, bánh chưng của cơ sở tôi thường được lựa chọn đưa vào mâm lễ dâng lên các Vua Hùng. Bắt đầu từ ngày 15/12 âm lịch đến Tết Nguyên Đán, cơ sở phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình, người già, trẻ con làm việc nhẹ, người lớn làm việc nặng hơn, đồng thời thuê thêm 10 – 15 lao động/ngày để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng bánh chưng của người dân trong dịp Tết”. Trung bình 1 ngày, cơ sở gói khoảng trên 3 tạ gạo, chủ yếu đổ buôn cho các tiểu thương, nhà hàng trên địa bàn và các tỉnh lân cận.
Công thức, nguyên liệu gói bánh chưng ở Cát Trù có những “bí kíp” làm nên sự đặc sắc hiếm có. Ảnh: Mạnh Thuần.
Nguyên liệu làm bánh chưng gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong như các vùng quê khác. Điều làm nên sự khác biệt là ở khâu chuẩn bị nguyên liệu và cách gói theo tiêu chí của người dân nơi đây. Gạo nếp phải chọn loại nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, những loại gạo dẻo, có hương thơm đặc trưng và không lẫn tẻ.
Đỗ xanh cần phải có là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín như vậy nhân bánh mới thơm ngon. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu… vừa đủ tạo điểm nhấn và mùi thơm.
Nguyên liệu gói bánh được lựa chọn kỹ lưỡng. Ảnh: Mạnh Thuần.
Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, dẻo. Nếu gói lỏng tay khi nấu bánh sẽ không được vuông vắn và nhão. Đặc biệt là lá dong, không được dùng lá non hoặc quá già, ảnh hưởng tới màu sắc của bánh. Dù không gói bánh bằng khuôn nhưng bánh chưng vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh khen là ngon, dẻo và vuông vức, đều đẹp, là hương vị không thể thiếu trong những dịp quan trọng như cỗ bàn, cưới hỏi, quà biếu và trên mâm cơm thắp hương ngày Tết…