Xu hướng sử dụng thực phẩm sạch
Trước thực trạng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường, đông đảo người tiêu dùng đã hướng đến việc lựa chọn sử dụng các loại thực phẩm sạch, an toàn. Nắm bắt được nhu cầu đó, các cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch xuất hiện ngày càng nhiều.
Khách hàng mua sản phẩm tương ớt của Công ty TNHH Spico bày bán tại phiên chợ Mai An Tiêm (Trường Đại học Hồng Đức).
Xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên trở nên phổ biến, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Bà Lê Thị Hoa (TP Thanh Hóa) chia sẻ: Trước đây tôi khá dễ tính khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, nhưng vài năm trở lại đây do những thông tin về thực phẩm không an toàn, không xuất xứ tràn lan trên mạng xã hội nên quan điểm về mua và sử dụng thực phẩm của gia đình tôi cũng có nhiều thay đổi. Tôi luôn ưu tiên lựa chọn các loại sản phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã, nhãn mác đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được bán tại các siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm sạch. Dù giá có cao hơn một chút, nhưng khi sử dụng chúng tôi yên tâm về chất lượng.
Là người thường xuyên mua nông sản, thực phẩm có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, chị Vũ Hà My (Triệu Sơn) cho biết: Thực phẩm là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình. Nhiều năm nay tôi thường mua các thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, thực phẩm hữu cơ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tại các cửa hàng, 100% thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm, riêng các mặt hàng tươi sống được bảo quản trong tủ bảo ôn. Hơn nữa, các cửa hàng đều được cơ quan chuyên môn của tỉnh cấp giấy chứng nhận kinh doanh thực phẩm an toàn nên đảm bảo chất lượng.
Đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn, lành mạnh của người tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Tiêu biểu như hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Winmart, siêu thị Co.opmart… Cùng với đó có nhiều cá nhân, hộ gia đình cũng tích cực tham gia khởi nghiệp bằng con đường thực phẩm sạch và đã khá thành công. Điển hình như ông Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spico, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là một trong những người tiên phong sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, đồng thời cũng là người sáng lập ra mô hình “Chợ sớm bình yên” với mục đích mang nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng.
Ông Cương chia sẻ: “Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng cao nên tôi đã quyết định khởi nghiệp với sản phẩm tương ớt được làm từ nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản, chất tạo màu. Quy trình sản xuất cũng khắt khe, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, sau khi đưa ra thị trường, tương ớt đã được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Ngoài ra, để khách hàng yên tâm lựa chọn, tôi đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP đó là tương ớt Phúc Lộc Thọ và tương cà chua. Hiện trung bình một tháng công ty của tôi bán được khoảng 500 chai tương ớt, tương cà ra thị trường. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư một cửa hàng thực phẩm sạch HC Farm tại đường Hạc Thành (TP Thanh Hóa). Tại đây, nguồn thực phẩm sạch như rau, củ, quả, thịt, cá… đều được lựa chọn kỹ từ các địa phương trên cả nước”.
Ngày 21/2/2024 Sở Công Thương Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND tổ chức thí điểm các “Phiên chợ thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Theo đó, mỗi quý tổ chức 1 phiên. Các sản phẩm được trưng bày tại phiên chợ gồm lương thực, thực phẩm; nông sản, lâm sản, thủy, hải sản; đồ uống, thực phẩm chế biến… Thông qua việc tổ chức phiên chợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực phẩm an toàn đến các nhà phân phối và người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc thù của địa phương, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thực phẩm sạch, sản phẩm OCOP của tỉnh…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt