Việt Nam đăng cai hội nghị toàn cầu về hệ thống lương thực, thực phẩm
Việc đăng cai Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững là thông điệp của Việt Nam về việc trở thành “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững.”
Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững từ ngày 24-27/4/2023 tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới.”
Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo về hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững là hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó bao gồm khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Hội nghị lần này sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động, tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực, thực phẩm; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực, thực phẩm; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực, thực phẩm; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, ví dụ điển hình về các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện kế hoạch quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm ở cấp quốc gia và địa phương, cũng như các sáng kiến của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm (UNFSS).
Trong thời gian diễn ra hội nghị, ngoài các phiên họp chính ban tổ chức sẽ tổ chức các phiên họp bên lề và triển lãm, quảng bá những thành tựu nông nghiệp Việt Nam và hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam; các nông đặc sản Việt Nam, các sản phẩm OCOP.
Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái-Nông thôn hiện đại-Nông dân văn minh, thông minh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, việc đăng cai hội nghị nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững” đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi…
Hội nghị là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Thư ký Chương trình Lương thực, thực phẩm bền vững-Mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc. Đây là một trong số những nhiệm vụ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước và chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản 1638/VPCP-QHQT ngày 14/3/2023./.
Hội nghị gồm là một chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày 24-27/4 với 9 phiên họp chính thức; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề; 1 ngày họp của ban cố vấn đa bên; tham quan thực địa; đêm hội “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn” (3N Gala Dinner)…
Xuyên suốt thời gian hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Hội Nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tham gia làm diễn giả các phiên họp toàn thể và bên lề về: Xem xét lại các mô hình, kiến trúc toàn cầu về Hệ thống lương thực, thực phẩm; thúc đẩy chuyển đổi thông qua khoa học, tài chính, quyền con người và sáng tạo; đối thoại của các Đầu mối quốc gia về Hệ thống lương thực, thực phẩm; đầu tư có trách nhiệm và chuyển đổi số trong nông nghiệp. |