Triển vọng ngành Thực phẩm – Đồ uống: Chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện

07/05/2024 HCMC foodex

Đánh giá triển vọng ngành Thực phẩm – Đồ uống thời gian tới, phần lớn doanh nghiệp cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trên giảm rất nhiều so với năm trước (từ 94,4% xuống 61,6%). Bên cạnh đó, 15,4% doanh nghiệp cho rằng thị trường F&B sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khảo sát năm 2022 không có doanh nghiệp nào nhận định như vậy.

Thói quen tiêu dùng thay đổi sau dịch Covid-19 – Cơ hội ngành bán lẻ

Thực phẩm và đồ uống nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh. Trong nhiều năm qua, đây luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng được dự báo từ 5-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025 như nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.

Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và các cam kết quốc tế đã ký giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã mở ra cơ hội xuất khẩu và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều hơn; cũng như việc chuyển giao công nghệ và cải thiện trình độ khoa học kỹ thuật cho ngành này tốt hơn bao giờ hết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm và đồ uống cũng liên tục có sự chuyển mình theo hướng tích cực, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng gồm nhà, xưởng, kho tàng, bến bãi hay hiện đại hóa quy trình sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Ngành thực phẩm - đồ uống đối mặt nhiều thách thức

Dù đã chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng đây là thời điểm được cho rằng có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ đối với ngành thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam. Nhất là khi hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chú trọng hơn tới các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hay những thành phần dinh dưỡng lành mạnh, tiện dụng…

Cùng với đó là sự dịch chuyển thói quen từ ăn uống tại nhà hàng sang tại nhà và những mối lo ngại về thực phẩm nhập khẩu… khiến cho dự báo nhu cầu tiêu dùng của một số nhóm thực phẩm đồ uống không ngừng tăng nhanh và được dự báo sẽ có nhiều bứt phá trong thời gian tới và nhiều năm tiếp theo.

Một khảo sát nhanh do Vietnam Report mới tiến hành cuối năm 2020 cho thấy, trước sức ép của dịch Covid-19, 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cũng như các thực phẩm sạch, lành mạnh… Trong khi đó, 63,7% khách hàng lại cắt giảm chi tiêu cho rượu, bia. Chính vì thực tiễn ấy, các doanh nghiệp ở ngành này đang phải điều chỉnh công suất hoạt động cho phù hợp.

Theo đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm phải tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% nhưng trái lại các doanh nghiệp đồ uống phải giảm năng lực sản xuất xuống dưới mức 80% so với trước khi có đại dịch. Rõ ràng rằng, hầu hết các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống đã và đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.Triển vọng ngành Thực phẩm Đồ uống Chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiệnSau đại dịch, khách hàng đang dần cắt giảm chi tiêu cho rượu, bia. (Ảnh minh họa)

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam cho hay, lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống cho rằng, quy mô doanh nghiệp trong ngành còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu nên khi gặp một cú sốc lớn như Covid-19 thường dễ vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự hay cắt giảm chi phí…

Thêm vào đó, hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn thiếu sự quy hoạch đồng bộ, thiếu cơ quan chủ quản nên vẫn phát triển theo xu hướng “mạnh ai nấy làm” hay chủ yếu hoạt động theo mô hình “ngôi làng”…

Tuy nhiên, về cơ bản, nhu cầu ăn uống của con người là khó thay đổi, khi chấp nhận “sống chung với bão,” doanh nghiệp cần đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường và điều quan trọng là doanh nghiệp học được gì từ những cú sốc như thế này?, ông Vinh nhấn mạnh.

Hiện nay, chính nhờ Covid-19 đã tạo cú huých để gần 70% doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống tập trung mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số, ông Vinh cho biết. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng và ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý nên đã tỏ ra khá vững vàng trong khủng hoảng. Trừ những công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy buộc phải làm luân phiên theo ca còn tất cả các hoạt động khác của doanh nghiệp đều có thể được điều khiển và giám sát từ xa thông qua các phần mềm, ứng dụng và hệ thống camera như xuất kho, nhập kho, giao nhận, bán hàng, phân phối hay thậm chí là hội nghị, họp hành…

Cũng có rất nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm đồ uống đang tận dụng dịp này để đẩy nhanh việc đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Đổi mới từ hệ thống phân phối và điều chỉnh tỷ trọng giữa kênh truyền thống và kênh hiện đại; phát triển các ứng dụng để tăng cường trải nghiệm khách hàng khi mua sắm hay đổi mới từ thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường; đổi mới từ việc phát triển các dòng sản phẩm để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch hơn cho người tiêu dùng…

Triển vọng ngành Thực phẩm Đồ uống Chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiệnNguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát người tiêu dùng ngành F&B, tháng 08/2021, 08/2022 & 08/2023

Chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện

Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), những hững khó khăn của ngành F&B Việt Nam được thể hiện qua diễn biến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của hai ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống khi chỉ số này giảm liên tiếp từ cuối quý I đến giữa quý II/2023. Cùng với dấu hiệu phục hồi chậm của chỉ số IIP được ghi nhận từ cuối quý II, hoạt động ngành F&B có khả năng cải thiện, nhưng khó đạt được sự tăng trưởng bứt phá.

Năm 2023, mặc dù áp lực về lạm phát hạ nhiệt nhưng những lo ngại về suy thoái kinh tế lại gia tăng. Thực tế, 84,6% doanh nghiệp ngành F&B tham gia khảo sát cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là khó khăn lớn nhất phải đối mặt trong năm nay. Tỷ lệ này đã gia tăng mạnh từ 60% vào năm năm 2021 lên 83% vào năm 2022 và 84,6% vào năm 2023.

Khó khăn thứ hai liên quan tới sức mua của người tiêu dùng với 76,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn. Sức mua yếu là hệ quả của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm hoặc lo ngại nền kinh tế có thể tệ hơn nữa trong tương lai. Điều này được phản ánh qua mức tiêu dùng cuối cùng khi trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,68%, mức tăng thấp hơn tăng trưởng GDP (3,72%) cho thấy tổng cầu nền kinh tế yếu và ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, dù là ngành hàng thiết yếu nhưng doanh thu F&B khó có thể bứt phá.

Ngoài ra, người tiêu dùng càng cân nhắc kỹ hơn trong lựa chọn, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành càng tăng cao. Có 53,8% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận thấy đây là một trong những khó khăn lớn nhất đang hiện hữu trong ngành.

Hai khó khăn được cho rằng sẽ hạ nhiệt trong các tháng cuối năm là rủi ro về lạm phát và sức mua yếu, đây là cơ sở cho những kỳ vọng tích cực về thị trường F&B. Mặt khác, những vấn đề liên quan tới quỹ bình ổn xăng dầu và các mặt hàng này tăng giá khiến lo ngại về chi phí vận hành của ngành F&B cao hơn rõ rệt trong 6 tháng cuối năm (tăng 15,4% so với 6 tháng đầu năm).

Triển vọng ngành Thực phẩm Đồ uống Chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiệnNguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát doanh nghiệp ngành F&B, tháng 08/2022 & 08/2023.

Theo khảo sát của Vietnam Report, tăng trưởng ngành F&B từ nay cho đến cuối năm 2023 chủ yếu dựa trên ba động lực.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất giảm sau những nỗ lực của Chính phủ qua bốn lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành. Đến tháng 8/2023, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 2,0% – 4,0% so với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất nhưng với mức giảm chậm hơn. Mặt bằng lãi suất giảm giúp doanh nghiệp F&B giảm chi phí vốn vay và tăng khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển các kênh phân phối.

Thứ hai, lượng khách quốc tế tăng mạnh tạo cơ hội lớn cho ngành F&B. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế 8 tháng đầu năm 2023 tăng 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước, tương đương 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ trước đại dịch COVID-19). Nhiều dấu hiệu cho thấy lượng khách quốc tế đang trong quá trình phục hồi, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới.

Thứ ba, xu hướng chuyển dịch từ các kênh truyền thống sang hiện đại tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm – đồ uống qua các kênh hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại (87,1%), Online (88,7%); và Cửa hàng tiện lợi (59,1%).

Nhận định về sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, xét trong tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm tới nay, cùng những biện pháp kích cầu từ Chính phủ đang được triển khai quyết liệt, tuy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ giảm rõ rệt (từ 50,0% năm 2022 xuống 7,7% năm 2023) nhưng 61,5% doanh nghiệp vẫn có kỳ vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế những tháng cuối năm.

Đánh giá triển vọng ngành F&B thời gian tới, phần lớn doanh nghiệp cho rằng thị trường F&B sẽ lạc quan hơn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trên giảm rất nhiều so với năm trước (từ 94,4% xuống 61,6%). Bên cạnh đó, 15,4% doanh nghiệp cho rằng thị trường F&B sẽ khó khăn hơn rất nhiều, trong khi khảo sát năm 2022 không có doanh nghiệp nào nhận định như vậy.

 Đinh Hiệu

Bình luận