Thị trường hàng hóa nông sản dự kiến “hạ nhiệt” trong năm 2024
Rabobank dự đoán giá các mặt hàng nông sản quan trọng như ngô, đậu tương, đường và cà phê sẽ giảm do hoạt động sản xuất đã có thời gian thích ứng với giá cao trong khi nhu cầu vẫn yếu. Ảnh minh họa: EPA-EFE/TTXVN
Những dự báo trên được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp thường niên mới nhất của ngân hàng đầu tư Rabobank.
Với giá hàng hóa nông nghiệp thấp hơn, một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát giá lương thực sẽ giảm. Mặc dù sức ép lên giá cả và nguồn cung đã giảm, Rabobank dự đoán nhu cầu vẫn yếu do người tiêu dùng tiếp tục phải đối mặt với những thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất cao. Nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu trong năm 2024 sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu hàng hóa nông nghiệp.
Ông Carlos Mera, người đứng đầu bộ phận hàng hóa nông sản tại Rabobank cho biết trong ba năm qua, các nhà sản xuất nông nghiệp vẫn đang vật lộn với hậu quả của xung đột, thời tiết bất lợi, lạm phát đầu vào cao và nhu cầu tiêu dùng yếu. Đa phần coi năm 2024 là thời điểm hoạt động của họ trở lại trạng thái bình thường. Báo cáo của Rabobank đánh giá triển vọng của một rổ 10 hàng hóa nông sản quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu dựa trên các kịch bản khác nhau.
Theo đó, Rabobank dự đoán giá các mặt hàng nông sản quan trọng như ngô, đậu tương, đường và cà phê sẽ giảm do hoạt động sản xuất đã có thời gian thích ứng với giá cao trong khi nhu cầu vẫn yếu. Giá lúa mì sẽ vẫn phụ thuộc vào thời tiết năm tới cùng những bất ổn liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, Rabobank dự đoán những công ty trong lĩnh vực sản xuất bánh mì, sản phẩm sữa và protein động vật sẽ là những bên được hưởng lợi lớn nhất khi thị trường trở lại trạng thái “khỏe mạnh” hơn và tăng cường nguồn cung.
Cụ thể hơn, nông dân Brazil dự kiến sẽ có vụ đậu tương kỷ lục là 163 triệu tấn vào năm 2024 khi kiểu thời tiết La Niña nhường chỗ cho El Niño. Argentina, nước xuất khẩu nhiều sản phẩm từ đậu tương lớn nhất thế giới cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi sau vụ mất mùa năm ngoái. Điều này sẽ thúc đẩy lượng dự trữ toàn cầu, dù Argentina sẽ phải chịu tác động từ chính sách ngoại hối còn nhiều điều bất ổn.
Đối với lúa mì, Rabobank dự kiến thị trường toàn cầu sẽ trải qua đợt thâm hụt lần thứ năm liên tiếp. Sản lượng ngũ cốc ở Nam bán cầu sẽ không thể mang tới nhiều hỗ trợ những tháng tới, khi cả Argentina và Australia đều ghi nhận vụ mùa không mấy hiệu quả. Theo Rabobank, kiểu thời tiết El Niño có thể khiến các cánh đồng ở Australia thiếu nước tưới trước mùa trồng trọt năm 2024.
Trong khi đó, sản lượng thu hoạch lúa mỳ năm 2024 của Nga có thể sẽ duy trì trên 87 triệu tấn. Nhưng các ước tính hiện thời đều có thể thay đổi, vì chúng phụ thuộc vào tình hình thời tiết và các hạn chế xuất khẩu. Sang năm sau, xung đột Nga-Ukraine khả năng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của cả hai nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu này.
Theo Rabobank, giá lúa mì đã giảm khoảng 27% kể từ đầu năm 2023 và hiện giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Giá lúa mì yếu đi một phần do hoạt động xuất khẩu của Nga vẫn mạnh mẽ, ngay cả khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen bị hủy bỏ và những áp lực từ việc giá ngô suy giảm.
Báo cáo lưu ý rằng, nhu cầu ngô phục hồi sau khẩu phần năm ngoái đã được củng cố nhờ giảm giá, nhưng người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Đồng USD mạnh và nhiều lựa chọn ngũ cốc khác làm thức ăn chăn nuôi cho các quốc gia như Trung Quốc, nơi đang có vụ thu hoạch ngô bội thu, sẽ khiến xuất khẩu của Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo, nông dân nhìn chung có nguồn tiền khá tốt sau nhiều năm thu được lợi nhuận. Nhưng việc bán ra không nhiều như kỳ vọng và thiếu không gian lưu trữ – đặc biệt là tại Brazil sẽ gây áp lực buộc nông dân phải bán một số lượng ngô nhất định với giá gốc.
Chuyên gia Mera cho biết, tình hình sẽ không hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió” nhưng triển vọng vẫn tích cực hơn đối với phần lớn các mặt hàng nông sản. Sau một vài năm chịu tình trạng giá nông sản biến động mạnh, các chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng đều sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn trong năm tới. Dù tình hình chưa hoàn toàn phục hồi, nhưng triển vọng của nhóm hàng nông sản vẫn tích cực hơn nhiều so với những năm trước đây.