Thị trường quy mô hàng chục tỷ USD
Ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Song hành với sự tăng trưởng này là mảng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, như mỳ gói, sữa, nước ép, thực phẩm ăn liền, đến bánh kẹo, bia. Thị trường nguyên liệu thực phẩm được nhận định có dư địa tăng trưởng rất lớn.
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tính đến hết năm 2021, cả nước có trên 8.500 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô công nghiệp, tổng công suất đạt khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Báo cáo đánh giá của Mordor Intelligence Inc – tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới cho biết, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021 – 2026. Đây là dự báo khả quan cho sự phát triển của ngành lương thực, thực phẩm trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động từ dịch bệnh và giá cả nguyên vật liệu đầu vào đang tăng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến cho biết, từ trước tới nay, người tiêu dùng chỉ nhìn thấy sản phẩm như cà phê, mỳ gói, nước giải khát… được sản xuất bởi các doanh nghiệp chế biến, nhưng để làm ra sản phẩm đó thì nguồn nguyên liệu ở đâu thì ít người để ý.
Có thể hiểu, nguyên liệu thực phẩm là bất kỳ chất nào được thêm vào thực phẩm để đạt được hiệu quả mong muốn mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thị trường Việt Nam đang có 2 nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm chính: một là từ các doanh nghiệp trực tiếp xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất, cung ứng cho các nhà máy chế biến; hai là nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, đem về phân phối tại Việt Nam.
Trong đó, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu (Asia Ingredients Group – AIG) là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường nguyên liệu thực phẩm trong nước. AIG đã gây dựng được 2 vùng nguyên liệu lớn tại Bến Tre và Nghệ An.
Bến Tre là thủ phủ dừa, do đó AIG đầu tư xây dựng Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu (ACP) tại đây. AIG cũng tập trung phát vùng nguyên liệu sắn tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), để đáp ứng nhu cầu sản xuất tinh bột sắn và đường glucose của Công ty cổ phần Á Châu Hoa Sơn (AHS) – một thành viên nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn AIG. Ngoài ra, với hệ thống kho lạnh thông minh chuẩn xanh được phân bổ tại TP.HCM, Bình Dương và Bắc Ninh cùng giải pháp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả, AIG luôn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thực phẩm chất lượng cho khách hàng và đối tác.
Không chỉ dừng ở đó, AIG còn đẩy mạnh đầu tư vào Phòng nghiên cứu (Innovation Center) nhằm cung cấp các giải pháp toàn diện trong việc ứng dụng công nghệ, tìm hiểu thị trường và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới, đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng và sức khỏe cho các doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm tại Việt Nam.
Một điều kiện thuận lợi nữa để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam chính là nguồn nguyên liệu dồi dào và phong phú như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản, rau củ quả…
Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD sắn và sản phẩm từ sắn. 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu 1,55 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 768,96 triệu USD, tăng 21,1% về lượng và tăng 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tinh bột sắn có thể sản xuất ra đường hỗn hợp glucose dùng trong chế biến thực phẩm đa dạng.
Đối với rau quả, Việt Nam có thể xuất khẩu 4 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 70% là trái cây tươi (thanh long, chanh leo, xoài…) để làm nguyên liệu nước trái cây cô đặc. Ngoài ra, cà phê cũng xuất khẩu gần 4 tỷ USD/năm, hạt điều khoảng 3,6 tỷ USD/năm. Khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho chế biến là rất sẵn và sẽ thuận lợi hơn khi các doanh nghiệp tự đầu tư vùng trồng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn về quy mô sản lượng lẫn tiêu chuẩn chất lượng.
Nhiều tiềm năng hút vốn
Trước sự màu mỡ của “mỏ vàng” công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cả nội và ngoại đã đổ vốn đầu tư nhà máy chế biến nguyên liệu thực phẩm, tận dụng dư địa để tăng nhanh doanh số và lợi nhuận.
Khởi nguồn từ một công ty thương mại, AIG là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối nguyên liệu chất lượng từ các công ty nổi tiếng thế giới. Bên cạnh đó, AIG cũng tích cực đẩy mạnh phát triển hoạt động sản xuất và đầu tư mạnh mẽ cho phòng nghiên cứu nhằm đa dạng hóa danh mục nguyên liệu cho ngành sản xuất thực phẩm và trở thành Tập đoàn dẫn đầu về cung ứng và sản xuất nguyên liệu thực phẩm tại Việt Nam.
Giám đốc phát triển kinh doanh của AIG, ông Lê Nguyễn Đoan Duy chia sẻ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ phát triển kinh doanh là tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế cùng bỏ vốn đầu tư, khai thác được hiệu quả nhất tiềm năng của thị trường nông sản Việt Nam, cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến và chỉ tính riêng tại Công ty cổ phần Nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI), một thành viên của Tập đoàn AIG đã cung cấp danh mục dài các nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm nói chung và ngành sữa nói riêng.
Trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ uống tăng trung bình hàng năm lần lượt ở ngưỡng 9,68%. Ở góc độ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngành chế biến lương thực – thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn bởi có nguồn nguyên liệu sản xuất phong phú. Việt Nam được xem là một trong 5 giỏ thực phẩm của thế giới.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư, đẩy mạnh sản xuất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Trong giai đoạn 2016 – 2021, xu hướng các doanh nghiệp FDI mua lại cổ phần, bơm vốn vào các doanh nghiệp thực phẩm tại Việt Nam gia tăng mạnh.
Thống kê sơ bộ trong 5 năm qua, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nổi tiếng của thế giới đã đặt nhà máy tại Việt Nam và họ không ngừng tăng quy mô đầu tư, mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này.
Dù vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam với năng lực xuất khẩu 50-55 tỷ USD/năm, nhưng chủ yếu vẫn xuất thô, giá trị gia tăng thấp. Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang thực thi, một nền kinh tế có độ mở trên 200% GDP, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh.