Nỗi lo ngộ độc thực phẩm gia tăng
(HNM) – Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc thực phẩm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra một nhà hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Xuân Lộc
Nguy cơ ngộ độc có ở mọi khâu
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Mới đây, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, tan máu sau khi ăn thực phẩm trộn phẩm màu. Trước đó, người bệnh có mua 100g bột màu (còn gọi là bột mai quế lộ) ở chợ và trộn hơn một nửa lượng bột màu này với thịt lợn xay rồi gói nem rán. Bệnh nhân cùng con ăn nem vào các bữa trưa của 3 ngày liên tiếp. Sau bữa cuối cùng được 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu và phải nhập viện. Mẫu bột màu mà bệnh nhân sử dụng được xét nghiệm và phát hiện có a xít orange 7, là hóa chất được dùng làm chất màu công nghiệp, phụ gia thực phẩm nhưng nếu sử dụng với hàm lượng cao có thể gây tan máu.
Tương tự, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (32 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) bị đau bụng, tiêu lỏng, sốt, nôn ói sau khi ăn bún cua ốc vào buổi trưa. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý, các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E.coli, Campylobacter, Listeria… gây ra. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
Nữ bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thành DươngTiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo có thể kể đến ngộ độc thực phẩm do các loại hóa chất khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào trong thực phẩm với mục đích cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
“Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước…; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Qua đó, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Toàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ giữa tháng 4-2023 cho đến nay, 16 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 cơ sở với số tiền 165,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.