Nhiều dư địa để phát triển ngành thực phẩm và đồ uống
Năm 2023, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đối mặt với nhiều khó khăn, cùng hàng loạt các quy định mới. Tại thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh lớn cũng lần lượt rời đi vì chi phí mặt bằng tại các khu vực đắc địa đang chiếm phần lớn ngân sách trong tổng chi phí hoạt động của DN.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, cả năm 2023 ước giảm 6,4% (cùng kỳ tăng 30,5%). Nguyên nhân chủ yếu, do tăng giá nguyên vật liệu trong khi xu hướng tiêu dùng giảm, người tiêu dùng (NTD) hạn chế các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe đối với các loại đồ uống có cồn.
Thực phẩm của Việt Nam rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngành lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm được ưu tiên phát triển, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), kinh tế phục hồi là trợ lực thúc đẩy ngành F&B phát triển và Việt Nam trở thành một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất thế giới. Cụ thể, ngành F&B đã đóng góp khoảng 15% vào tổng GDP quốc gia hàng năm.
Bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu Châu Mỹ – Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu (XK) trong năm 2023 giảm 4,6% chỉ đạt 354 tỷ USD. Tất cả các mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… đều sụt giảm 2 con số, thì ngành lương thực, thực phẩm lại chính là cứu cánh cho XK, đạt 37-38 tỷ USD.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Công thương, các mặt hàng F&B của Việt Nam đã đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng của các nước phát triển trên thế giới như: Chú trọng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, hay sản phẩm mang tính đặc sắc của dân tộc và đặc biệt chúng ta dần dần chuyển từ XK nông sản thô sang chế biến. Với mặt hàng cà phê, Việt Nam đứng đầu XK thô, nhưng tại EU thì các sản phẩm cà phê chế biến XK sang EU 2-3 năm gần đây đã tăng từ 20-22%. Đặc biệt, các sản phẩm lương thực thực phẩm đã dần có thương hiệu tại các hệ thống siêu thị ở EU, Mỹ. Điều đó có nghĩa rằng, chúng ta vừa có dư địa thị trường vừa có năng lực để phát triển thương hiệu riêng tại các thị trường EU, Hoa Kỳ…
Ông Nguyễn Đặng Hiến – Phó Chủ tịch FFA nhìn nhận, hàng hóa từ các nước lân cận vào Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là hàng Thái Lan, Trung Quốc. Vậy làm sao để không bị thua ngay trên sân nhà thì DN cần có chiến lược rõ ràng, phải tính lại chiến lược sản phẩm, không thể bỏ qua số hóa, tự động hóa, xu hướng sản xuất xanh, sạch, giải quyết vấn đề môi trường. “Thị trường trong nước rất quan trọng, nếu không giữ được thì đừng nói đến chuyện XK”, ông Hiến khẳng định.