Cùng hành động chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm
Nhân dịp Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc tại Hà Nội từ 24-27/04/2023, chúng tôi có một số suy nghĩ về Hệ thống LTTP ở Việt Nam.
Trong nhiều thập kỷ qua, tình hình an ninh lương thực quốc gia và dinh dưỡng của Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể. Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp 14,85% GDP của quốc gia. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và các biến động trên thị trường thế giới nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 3,36% năm 2022, cao nhất trong những năm gần đây. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 51,22 tỷ USD, là mức cao kỷ lục, đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu.
PGS. TS. Đào Thế Anh phát biểu tại Hội nghị
Nhờ chính sách phát triển đồng bộ cả nông nghiệp và nông thôn mà số hộ nghèo của Việt nam đã giảm ở mức đáng ghi nhận. Tuy các thành tựu về sản xuất nông nghiệp là đáng tự hào, nhưng các mục tiêu về dinh dưỡng mới chỉ đạt ở mức rất khiêm tốn. Tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng khá phổ biến, trung bình cứ 5 em thì có 1 em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt là vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thì tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em lên đến 38%. Trẻ em béo phì đang gia tăng cả ở thành thị và nông thôn. Trong vòng 10 năm, 2010-2020, tỷ lệ béo phì ở trẻ học đường tăng 2,2 lần. Chế độ ăn uống lành mạnh trở nên quá xa xỉ với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo. Bất bình đẳng trong tiếp cận tư liệu sản xuất, nguồn lương thực, thực phẩm sạch trong hệ thống lương thực thực phẩm vẫn là thách thức lớn. Thị trường lương thực thực phẩm trong nước và xuất khẩu quốc tế đang tiềm ẩn bất ổn khó lường do kinh tế toàn cầu ảm đạm với những biểu hiện giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại. Hệ thống lươngthực thực phẩm tương lai có nguy cơ kém bền vững, nhạy cảm với các cú sốc kinh tế, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, biến đổi khí hậu và sử dụng tranh chấp tài nguyên nước.
Đại dịch COVID-19 làm chậm lại tất cả các tiến trình tích cực, làm suy giảm động lực chuyển đổi hệ thống kinh tế xã hội. Tất cả các bộ phận cốt lõi của hệ thống lương thực thực phẩm như: sản xuất, chế biến, phân phối, môi trường thực phẩm, tiêu dùng và sự tương tác của chúng đến hệ thống kinh tế xã hội và môi trường đều bị xuống cấp, dễ tổn thương. Năng suất lao động và thu nhập của nông hộ, người sản xuất nhỏ thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trang trại sản xuất, chế biến lớn. Khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận mức độ căng thẳng đe dọa cạn kiệt nguồn nước. Vấn đề bình đẳng giới trong tiếp cận, kiểm soát vốn xã hội (tài chính, lao động) và vốn tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp (đất, nước, rừng, nguồn lợi thủy sản, v.v.) vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lương thực thực phẩm bị lãng phí và thất thoát cao, ước tính chiếm gần 2% GDP hàng năm. Trữ lượng cá biển và diện tích rừng, bền vững về mặt sinh học tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực và hiệu lực quản lý hành chính đang ngày càng suy giảm, trách nhiệm điều phối, giả quyết các vấn đề toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức. Ngày càng phát sinh nhiều yếu tố rủi ro, không tính trước đồng thời xuất hiện, tương tác với nhau dẫn đến nguy cơ suy yếu toàn hệ thống.
Mục tiêu kép vừa phải đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, dinh dưỡng đồng thời vừa phải thực hiện cam kết giảm phát thải, tái tạo môi trường hiện đang gặp nhiều thách thức chưa từng có. Chính sách Tái cơ cấu nông nghiệp của Việt nam, thực hiện từ 2012 đến nay, đã và đang tạo đà tích cực nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống lương thực thực phẩm. Tuy nhiên nông nghiệp, nông thôn, quản lý tài nguyên thiên nhiên cần có những đột phá mang tính hệ thống, chuyển đổi sâu sắc về chất thì mới đảm bảo cuộc sống ấm no cho toàn dân trong tương lai và cam kết mục tiêu “Không còn nạn đói” và các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Để trả lời cho các thách thức nêu trên, Việt Nam rất hoan nghênh và đánh giá cao lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021 nhằm giúp định hướng cho Hệ thống lương thực, thực phẩm và chung tay hành động để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Ngay sau Đối thoại về Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững cấp toàn cầu năm 2021, chúng tôi, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế và các tổ chức trong nước đã xây dựng và mới ban hành thành công Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Thông điệp của Việt Nam thông qua Kế hoạch hành động là thúc đẩy Hệ thống Lương thực thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng không chỉ cho 100 triệu người Việt Nam, mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu. Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam sẽ tập trung và chuyển đổi sang Nông nghiệp sinh thái ở khâu sản xuất, giảm thất thoát lãng phí thực phẩm trong chuỗi giá trị nông sản cũng như chuyển đổi sang Khẩu phần ăn lành mạnh ở khâu tiêu dùng.
Chúng tôi coi kế hoạch hành động là một công cụ để định hướng cho sự phối hợp liên ngành, đa tác nhân trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm nhằm mục tiêu Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối, môi trường thực phẩm đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết. Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là một vấn đề mới và phức tạp, do vậy Việt Nam rất cần sự chia sẻ hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó Việt nam cũng sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm của mình trong những năm qua về đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và dinh dưỡng với các nước.
Chúng tôi đánh giá cao và hy vọng vào kết quả thành công của Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững do mạng lưới Một hành tinh của Liên hợp quốc phối hợp tổ chức với tiêu đề Sự chuyển đổi mà chúng ta cần: Thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu bằng cách định hình các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, chống chịu, khoẻ mạnh và bao trùm. Các thông điệp của hội nghị sẽ là định hướng cho các quốc gia xác định được lộ trình chuyển đổi và các chính sách cần thiết đến 2030.
PGS. TS. Đào Thế Anh
Nguồn: vaas.vn