Cơ hội để doanh nghiệp EU đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm Việt Nam
Các doanh nghiệp EU có cơ hội đặc biệt thuận lợi để tham gia thị trường chế biến thực phẩm của Việt Nam, do mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), cũng như hình ảnh thuận lợi của các sản phẩm châu Âu đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Triển vọng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam
Trang Vietnam Briefing đăng bài phân tích triển vọng tăng trưởng của các ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam và cách thức các doanh nghiệp EU có thể tận dụng những cơ hội hiện tại trên thị trường.
Chế biến thực phẩm là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Được hưởng lợi từ đất đai màu mỡ và khí hậu thuận lợi, Việt Nam có lịch sử là nước xuất khẩu lương thực ròng. Năm 2022, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 53,22 tỉ USD, trong đó xuất siêu 8,5 tỉ USD.
Nhu cầu trong nước ngày càng tăng hiện cũng đang đóng góp cho ngành sản xuất và chế biến thực phẩm của đất nước. Khi mức thu nhập trên cả nước tăng lên, tiêu dùng trong nước cũng tăng theo, điều này được phản ánh trong nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ ăn uống và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam – dự kiến chiếm khoảng 40% dân số vào năm 2030 – đang trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành thực phẩm.
Theo Statista, năm 2021, ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống (F&B) đóng góp 17 tỉ USD vào GDP của Việt Nam và tạo 3 triệu việc làm. Trong khi đó, ngành dịch vụ ăn uống dự kiến đạt tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 8,5% từ năm 2022 đến năm 2027, với xu hướng đi ăn ngoài ngày càng tăng. Ước tính người Việt Nam chi từ 20 đến 48% thu nhập hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống.
Thuận lợi cho doanh nghiệp EU
Theo Vietnam Briefing, có một số thuận lợi cho các doanh nghiệp EU khi đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam.
Thứ nhất, các doanh nghiệp EU đang có lợi thế tương đối so với nhiều quốc gia phát triển khác. Đây là kết quả của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Trong vòng 10 năm tới, hiệp định này sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu giữa Việt Nam và EU.
EVFTA cải thiện đáng kể triển vọng cho thương mại nông sản song phương, theo đó sẽ gia tăng khả năng cung cấp các sản phẩm đặc sản của Việt Nam tại EU và các sản phẩm của châu Âu tại Việt Nam.
Một khía cạnh đáng chú ý của EVFTA là chỉ dẫn địa lí (GI) cho một số sản phẩm thực phẩm. Chỉ dẫn địa lí là một loại tài sản trí tuệ bảo vệ một sản phẩm được sản xuất ở một vị trí địa lí nhất định. EVFTA tự động công nhận chỉ dẫn địa lí của 39 sản phẩm thực phẩm Việt Nam và 169 sản phẩm châu Âu.
Điều này sẽ giúp người tiêu dùng ở cả hai thị trường mua sản phẩm đảm bảo chất lượng, đồng thời giúp các công ty tiếp thị sản phẩm tại các thị trường của nhau.
Thứ hai là nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Các nhà đầu tư EU có thể tận dụng thị hiếu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cao cấp, chất lượng cao và hữu cơ tại Việt Nam.
Trong ngành dịch vụ thực phẩm, người tiêu dùng rất muốn khám phá các món ăn và nguyên liệu mới, trong khi các phân khúc cao cấp mang đến cơ hội giới thiệu các sản phẩm đặc biệt, như rượu vang châu Âu, pho mát và thịt chế biến.
Thứ ba là cơ sở hạ tầng chế biến thực phẩm mạnh. Ngoài ra, chi phí lao động tương đối thấp ở Việt Nam khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn cạnh tranh cho để sản xuất hoặc di dời các cơ sở sản xuất và chế biến.
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài. Tốc độ phát triển nhanh chóng và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cùng với các kế hoạch do Chính phủ hỗ trợ đang tạo ra một môi trường lí tưởng cho các công ty nước ngoài đầu tư, thông qua việc thành lập các thực thể mới, liên doanh hoặc mua bán và sáp nhập.