Bộ NNPTNT triển khai công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường năm 2024
Tham dự Hội nghị có Đại diện Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Ban Quản lý ATTP, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, một số tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn, Hiệp hội ngành nông sản chủ lực.
Đã có trên 2.500 chuỗi thực phẩm an toàn, trên 10.800 sản phẩm OCOP
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, được biết, trong những năm qua, toàn Ngành nông nghiệp và PTNT đã tập trung lực lượng, triển khai chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản và đã đạt được những kết quả khả quan.
Trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và chỉ đạo điều hành. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đến năm 2030; ban hành 5 Thông tư, 1 Quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; công bố và cấp số hiệu cho 51 tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm NLTS. Xác định rõ và lồng ghép định hướng đảm bảo chất lượng, ATTP trong các văn bản và chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Quang cảnh Hội nghị riển khai công tác chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường năm 2024 tại Hải Phòng. Ảnh: Vũ Thị Hải.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai các kế hoạch, đề án, chương trình bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Điển hình có thể kể tới đó là chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả các Đề án như Đề án Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030; Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030; Các Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc;…
Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, địa phương liên quan trong đảm bảo ATTP thực chất, hiệu quả triển khai Chương trình phối hợp số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2023; xây dựng và triển khai theo đúng tiến độ Kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 của Bộ; triển khai các chương trình phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh; Thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia để thực thi hiệu quả Hiệp định về vệ sinh ATTP và kiểm dịch động thực vật của WTO và cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do”.
Một số kết quả quan trọng năm 2023 trong chỉ đạo tổ chức triển khai các nội dung Đề án, Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao như 2.510 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà …); 217.097,9 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 14.048 cơ sở được chứng nhận, tăng hơn so với năm 2022 (205.146,4 ha/13.272 cơ sở); 10.881 sản phẩm đạt chuẩn “OCOP 3 sao” trở lên (tăng 27% so với năm 2022 (8.565 sản phẩm)…
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu NLTS; năm 2023 đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc nâng tổng số lên 786 cơ sở; 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU nâng lên tổng số lên 524 cơ sở; 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống nâng tổng số lên 585 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; 01 cơ sở cá tra vào Hoa Kỳ nâng tổng số lên 26 cơ sở; 02 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga nâng tổng số lên 83 cơ sở; đã cấp 6.997 mã số vùng trồng, 1.613 mã số cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang các thị trường; bổ sung sản phẩm xuất khẩu (Dưa hấu sang Trung Quốc; dừa tươi sang Hoa Kỳ,…); đặc biệt một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Trung Quốc (Sầu riêng, Tổ Yến, bưởi Diễn…); chủ động dự báo, tranh thủ cơ hội từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông, Châu phi…).
Trước tình hình sản xuất thủy sản và lâm nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, Bộ đã kịp thời phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị bàn và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu lâm sản và thủy sản, trong đó có thống nhất triển khai “Gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng” (đến nay giải ngân được 9 nghìn tỷ đồng cho trên 3.500 lượt khách hàng).
Để quảng bá hình ảnh, khẳng định vai trò, vị trí của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong thời gian tới, Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 từ 11 – 15/12/2023 với hơn 500 gian hàng triển lãm, xác lập 02 kỷ lục Việt Nam về lúa gạo, 300 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự… cùng với đó là Lễ công bố phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Về tiêu thụ trong nước, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, nguồn cung, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng nông sản vào vụ có sản lượng thu hoạch lớn (xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải,…) và vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản, bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cần tăng cường các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên thì vẫn còn những vấn đề tồn tại như tỷ trọng sản phẩm sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương thấp; chưa có nhiều nhãn hiệu, thương hiệu nông sản uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Tổ chức, nguồn lực thực thi công tác quản lý chất lượng, ATTP các cấp thiếu ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu; chưa rõ tổ chức, nhân sự chịu trách nhiệm phổ biến, giám sát, thực thi pháp luật về chất lượng, ATTP tại cấp xã, phường.
Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định. Liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng CNC để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, liên ngành ở nhiều địa phương, nhiều ngành hàng còn rời rạc…
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường. Kiện toàn tổ chức bộ máy; sắp xếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường. Phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng chế biến và phát triển thị trường.Triển khai công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến, phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tại Hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành phố có đề xuất cụ thể đối với Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Cụ thể, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; thu hút đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; hỗ trợ các chương trình, dự án đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp, đề xuất đối với Chính phủ quy định chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hoàn thiện, ban hành hệ thống Quy chuẩn quốc gia, văn bản quy định mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân có căn cứ thực hiện tự công bố sản phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở đánh giá việc tuân thủ các quy định về chất lượng thực phẩm; Sớm tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023, Ban hành Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường liên minh Châu Âu (EU).
Bên cạnh 2 đại diện Sở trên, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp và TP Hà Nội cũng có tham luận về kết quả thực hiện trong năm 2023, chỉ ra những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xây dựng mục tiêu năm 2024 và cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể cho phía Bộ Nông nghiệp và PTNT.