573 loại sữa giả lưu thông nhiều năm trên thị trường, nguyên nhân do đâu?

13/04/2025 HCMC foodex

Thực phẩm giả, sữa giả bị phanh phui gây chấn động dư luận. Vì sao thực phẩm giả lại dễ dàng được lưu thông trên thị trường?

Nhóm sản phẩm có thể tự công bố

Theo Bộ Y tế, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý thực phẩm chức năng tương đối đầy đủ từ khâu sản xuất, đăng ký bản công bố và tự công bố, ghi nhãn, quảng cáo, kinh doanh bởi Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24.11.2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hướng dẫn Luật.

Thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm: Thực phẩm bổ sung, Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, Thực phẩm dinh dưỡng y học, Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Thực phẩm chức năng phải được đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường. Theo đó thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký bản công bố sản phẩm tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực phẩm bổ sung tự công bố và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trong đó, đáng chú ý, nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố – nghĩa là các sản phẩm sẽ được sản xuất và lưu thông ngay khi thực hiện tự công bố và không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Theo nghị định 15 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã phân cấp cho địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm, các sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm được thực hiện hầu hết tại địa phương.

Bộ Y tế chỉ quản lý và cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung) trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.

Trong thời gian qua, việc quản lý chất lượng thực phẩm tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã xử phạt 87 cơ sở với số tiền 16,8 tỉ đồng; tại địa phương xử phạt 20.881 cơ sở với số tiền phạt 123,8 tỉ đồng liên quan đến thực phẩm chức năng…

Các vi phạm chủ yếu bao gồm quảng cáo sai sự thật, vi phạm về nhãn mác và chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Một số vụ việc nghiêm trọng liên quan đến buôn bán sản phẩm có chất cấm và hàng giả đã được chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo pháp luật.

Năm 2024, Bộ Công an phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nói chung với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Khởi tố 62 vụ, 97 bị can, trong đó tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm 43 vụ, chiếm 69,3%.

Hàng nghìn cơ sở bị xử phạt, hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật được phát hiện như vậy, nhưng vì sao “con voi vẫn lọt lỗ kim”?

Kho chứa các hộp sữa bột giả của nhóm đối tượng bị cơ quan Công an phanh phui. Ảnh: VTV
Kho chứa các hộp sữa bột giả của nhóm đối tượng bị cơ quan Công an phanh phui. Ảnh: VTV

Công tác hậu kiểm lỏng lẻo, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế

Mặc dù công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, nhưng thực tế công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế, thậm chí là lỏng lẻo, để lọt những vụ việc gây chấn động dư luận.

Vụ việc kẹo rau củ Kera của nhóm Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục là một tiêu biểu. Từ ngày 12.12.2024 đến 19.3.2025, nhóm này đã bán ra 135.325 hộp kẹo Kera với giá 150.000 đồng mỗi hộp, thu về tổng doanh thu hơn 20 tỉ đồng, lợi nhuận lên đến 17 tỉ đồng. Chỉ khi bị phanh phui, người tiêu dùng mới biết thời gian qua toàn ăn kẹo chứa “thuốc xổ”.

Chấn động dư luận là vụ việc đường dây sữa giả bị cơ quan công an phanh phui đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai. Những nhãn hiệu sữa này được quảng cáo, công bố có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó…

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, sữa của 2 công ty trên sản xuất không có những chất này, chất lượng đạt dưới 70% mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Các bị can khai nhận đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Trong khoảng 4 năm, cơ quan chức năng xác định doanh thu từ việc bán các hộp sữa trên là gần 500 tỉ đồng.

Hàng nghìn loại thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế. Rất nhiều sản phẩm đang được lưu thông trên thị trường nhưng chưa được kiểm soát về chất lượng. Rủi ro đương nhiên đổ về phía người dân. Chỉ khi bị cơ quan công an phanh phui, người dân mới biết các sản phẩm mà mình bỏ nhiều tiền ra để mua lại thực chất là hàng giả, nguy hại khôn lường đến sức khỏe, không thể đo đếm ngay được.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí… nhất là trong bối cảnh sản phẩm tự công bố ngày càng lớn và phong phú. Chỉ tính riêng TP.HCM có gần 200.000 sản phẩm tự công bố.

Bộ Y tế cũng cho rằng vì hồ sơ, trình tự tự công bố sản phẩm đơn giản nên rất nhiều sản phẩm được nộp với các chỉ tiêu kiểm nghiệm, ghi nhãn sản phẩm không đạt theo quy định. Do đó, việc sản phẩm không đảm bảo an toàn này lưu thông trên thị trường là một thách thức lớn trong công tác hậu kiểm.

Bên cạnh đó, quy định “ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức/cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm” dẫn đến tình trạng khi phát hiện sản phẩm công bố không đúng quy định thì sản phẩm đã được tiêu thụ trên thị trường.

Phương thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý, công bố không đúng, không đầy đủ.

Bộ Y tế cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường thực phẩm phát triển mạnh về số lượng, chủng loại mặt hàng và phát sinh hình thức kinh doanh mới trên ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng thương mại, cần tăng cường hậu kiểm, kiểm soát toàn diện hơn chất lượng thực phẩm.

Cơ chế tự công bố sản phẩm tạo thuận lợi về mặt hành chính cho doanh nghiệp thế nhưng hiện nay quy định này đã phát sinh nhiều bất cập. Việc siết lại các quy định để quản lý chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm hiện nay đang cấp thiết hơn bao giờ hết.