Nhiều doanh nghiệp còn xây dựng chuỗi sản xuất – chế biến khép kín theo mô hình 3F (Feed – Farm – Food): sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ chăn nuôi ở trang trại đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đầu tư công nghệ đồng bộ, hiện đại. Về chế biến, phân phối thịt heo có những doanh nghiệp lớn như Masan, Dabaco, CP Việt Nam, Vissan, BaF…
Trên thị trường, hiện nay không chỉ có thịt heo đông lạnh mà còn có thịt heo mát, thịt qua chế biến cũng đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng.
Tuy nhiên, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện mới có gần 70 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp với tổng quy mô ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20% – 22% sản lượng heo thịt xuất chuồng. Phần lớn vẫn tiêu thụ thịt tươi (nóng) do 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cung ứng (hơn 70% không có giấy phép). Trong đó, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chỉ mới có hơn 430 cơ sở. Muốn có thịt sạch và ngon, cần phải phát triển các nhà máy chế biến quy mô lớn, cơ sở giết mổ tập trung hiện đại.
Vì vậy, ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.
Đề án nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng.
Mục tiêu bảo đảm đến năm 2030 đạt tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp khoảng 70% và 50%. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3 – 4 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, xuất khẩu của ngành chăn nuôi năm 2022 và 2023 chỉ đem về gần nửa tỷ USD là quá ít. Đối với ngành chăn nuôi heo hiện nay, không thể quanh quẩn ở thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu.