Làm gì để nông sản thực phẩm Việt tiến sâu hơn ở thị trường châu Á?
Để nông sản thực phẩm Việt tiến sâu hơn trên thị trường có hơn 4,7 tỷ dân ở châu Á không phải là điều dễ dàng. Điều này rất cần cáac doanh nghiệp sẵn sàng cho cuộc chơi chung, từ việc tìm hiểu cặn kẽ tính đặc thù riêng ở từng thị trường, nắm bắt rõ xu hướng và điều mong muốn cốt lõi của người tiêu dùng ngoại, hiểu đúng về sự khác biệt trong sản phẩm, đáp ứng tốt về tiêu chuẩn và chất lượng, để từ đó kích hoạt nguồn lực một cách tốt nhất.
Nói về bài học kinh nghiệm để đưa nông sản thực phẩm Việt thâm nhập tốt thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy, nguyên là tùy viên thương mại phụ trách cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, kể lại việc thực chứng với 13 năm tại Thái Lan đã chứng kiến nhiều đoàn xúc tiến thương mại từ các địa phương ở Việt Nam sang và thấy điều bất cập là ở Việt Nam bán được mặt hàng gì thì khi sang Thái họ cũng bán mặt hàng tương tự như vậy. Trong khi đó, họ không hề có khái niệm ở thị trường Thái khác với thị trường Việt như thế nào.
Mỗi thị trường đều có đặc thù riêng
Ông Huy cũng chỉ rõ mặc dù là trong nội khối ASEAN phần nào có sự tương đồng nhưng thực tế mỗi thị trường lại khác biệt, có đặc thù riêng. Chẳng hạn như với thị trường Thái Lan, nếu các doanh nghiệp (DN) Việt thâm nhập vào đây bằng cách sử dụng phương thức bán hàng livestream (phát trực tiếp) trên nền tảng Tiktok thì gần như sẽ không thể nào bán hàng được.
Những nhà thu mua quốc tế ở châu Á rất cần các DN Việt trong ngành hàng nông sản thực phẩm thỏa mãn được những yêu cầu của họ.
“Điều đó là thực tế vì người Thái thích trải nghiệm. Họ có thể đến trung tâm thương mại cả ngày để mua hàng. Cho nên các DN Việt thâm nhập thị trường Thái phải chú trọng đến việc trải nghiệm, cái gì hay về câu chuyện sản phẩm cần phải kể ra vì người Thái rất chịu khó lắng nghe”, ông Huy nói.
Trong khi đó, với thị trường Philippines, như chia sẻ của vị tùy viên thương mại này, cách tiếp cận của DN Việt sẽ phải khác đi so với thị trường Thái. Nói một cách ví von là “đánh nhanh thắng nhanh”, tức là thị trường này cần mặt hàng gì thì DN đáp ứng ngay mặt hàng đó và “chốt” nhanh hợp đồng. Từ đó để thấy mỗi quốc gia có một văn hóa khác nhau, nếu DN Việt đưa hàng hóa xuất ngoại phải hiểu rõ người ta muốn cái gì, người ta là ai để thuyết phục họ mua sản phẩm của mình.
Qua trao đổi với giới DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm trong khuôn khổ sự kiện phát động cuộc thi khởi nghiệp xanh – phát triển bền vững lần thứ 10/2024 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 21/3, ông Nguyễn Thành Huy có lời khuyên các DN cũng nên hiểu rõ hơn về sự khác biệt khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Thực ra, sản phẩm có khác biệt mới có thể chiến thắng, nhưng nếu mang cái sự khác biệt “chẳng giống ai” khi xuất ngoại lại phản tác dụng.
“Nếu đưa hàng hóa ra nước ngoài mà cứ nghĩ mặt hàng của mình là độc đáo, là số một, là duy nhất có khi tỷ lệ thất bại sẽ rất cao. Trong khi đó, nhiều DN lại quên đi câu chuyện nâng cấp sản phẩm, có gắn kết được với điều mà người tiêu dùng nước ngoài mong muốn hay không?”, ông Huy bày tỏ băn khoăn.
Cho nên, theo bộc bạch của vị tùy viên thương mại, khi DN đưa nông sản thực phẩm Việt xuất ngoại phải hiểu sự khác biệt về sản phẩm không chỉ đơn thuần là giá trị vùng miền ở trong nước, đó mới là điều kiện cần, để đầy đủ hơn đòi hỏi DN phải hiểu người tiêu dùng ngoại muốn cái gì. Và sau khi đã hiểu họ muốn cái gì, cộng với mặt hàng đặc sản mà mình đang có, DN cần cân đối lại với nhau. Có như vậy, khi đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế mới có sức sống và cạnh tranh được với các đối thủ khác.
Còn đứng ở góc độ chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nhượng quyền, bà Nguyễn Phi Vân đã bày cách cho các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm Việt thâm nhập tốt hơn ở một thị trường hàng đầu của châu Á là Ấn Độ với hơn 1,4 tỷ dân.
Theo bà Vân, Ấn Độ là thị trường của nhiều thị trường, nếu muốn khai phá hiệu quả các DN Việt phải có sự chuẩn bị tâm lý tốt để không bị sốc về sự tương phản có thể gặp ở vùng đất này, từ khác biệt về văn hóa xã hội cho đến việc không loại trừ những sự cố “khóc dở mếu dở” khi đàm phán làm ăn.
Sẵn sàng cho cuộc chơi chung
Như lưu ý của bà Nguyễn Phi Vân, Ấn Độ là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá. Dẫn chứng cụ thể, bà Vân cho biết công ty của bà từ Australia đưa cà phê qua Ấn Độ để bán, trên menu bán rất nhiều loại sản phẩm trong đó extra shot (ly thêm). Trong ngày đầu mở bán, người tiêu dùng ở đây vào rất nhiều nhưng chỉ order extra shot vì đơn giản nó rẻ nhất.
Một điểm nữa không thể bỏ qua khi vào thị trường Ấn Độ đó là nước này có 38% ăn chay. Cho nên các DN nông sản thực phẩm Việt khi thâm nhập vào thị trường Ấn Độ phải luôn nghĩ đến dân số ăn chay này. Các sản phẩm chay sẽ là sản phẩm đầu tiên trước khi nhìn qua các sản phẩm khác.
Ngoài ra, một điểm cực kỳ thú vị khác ở thị trường Ấn Độ, theo bà Vân, đó là người tiêu dùng quan trọng sự tối ưu hóa sản phẩm. Khi mua một chai nước, một hộp snack…thì họ quan tâm đến chuyện tận dụng cái chai, cái hộp đó để làm thảm lọ đựng hoa hay hộp đựng đồ. Tức là người ta rất quan trọng về tính năng chứ chưa hẳn là vì sản phẩm bên trong.
Còn đứng ở góc độ của một DN chuyên sản xuất trái cây sấy có bề dày xuất khẩu vào thị trường lớn như Trung Quốc và một số thị trường khác ở châu Á, chia sẻ kinh nghiệm về giới DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT CTCP Vinamit, nhấn mạnh với xu hướng toàn cầu đang diễn ra, đây là cơ hội rất lớn cho các DN Việt chuyên về thực phẩm mà có tiêu chuẩn quốc tế hoặc các DN đang “sẵn sàng cho cuộc chơi chung này”.
“Các DN phải chuẩn bị một tư thế am hiểu về tiêu chuẩn, am hiểu chất lượng, am hiểu về xu hướng bền vững để sẵn sàng tham gia thị trường lớn”, ông Viên nói.
Liên hệ thực tế từ DN của mình, ông Viên cho biết về mặt chiến lược công ty đã chuẩn bị rất kỹ những hoạt động này, bằng chứng là đã trở thành một DN khoa học – công nghệ, và tiếp tục xây dựng cho mình một Viện Nghiên cứu và Ứng dụng về khoa học sức khỏe để nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khỏe. Để từ đó DN có được những thương hiệu, danh hiệu, giá trị thực sự của sản phẩm không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà còn cho người tiêu dùng ở nước ngoài, mạnh dạn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tựu trung lại, để nông sản thực phẩm Việt thâm nhập tốt hơn ngay trên thị trường nội khối ASEAN nói riêng và thị trường châu Á nói chung đang rất cần các DN ở tư thế sẵn sàng, từ việc tìm hiểu cặn kẽ tính đặc thù ở từng thị trường, nắm bắt rõ xu hướng và điều mong muốn cốt lõi của người tiêu dùng ngoại, hiểu đúng về sự khác biệt trong sản phẩm, cho đến việc đáp ứng tốt các yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng. Và với thế mạnh về tài nguyên bản địa ở Việt Nam, tin rằng các DN sẽ kích hoạt được nguồn lực một cách tốt nhất nhằm tiến sâu hơn trên thị trường có hơn 4,7 tỷ dân ở châu Á.
Thế Vinh