Đoàn đã đến tham quan mô hình trồng rau theo VietGAP của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp thôn Ngăm Mạc tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng trồng rau trọng điểm của huyện Gia Bình, có thể trồng hầu hết các loại cây rau màu. Với hình thức liên kết, HTX đưa vào nhiều cây trồng giống mới có giá trị như ớt, nghệ, củ cải… và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu một số sản phẩm cho các thành viên, hộ liên kết với giá ổn định. Đến nay, HTX đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với quy mô 30 ha, sản lượng khoảng 210 tấn/năm. Trên 80% diện tích được doanh nghiệp cam kết thu mua, cung ứng cho các siêu thị tại thành phố Hà Nội
Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh cùng Đoàn công tác tham quan, kiểm tra mô hình trồng rau VietGAP tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc – Thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
Ông Phan Duy Phượng – Giám đốc HTX cho biết, năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”, vùng sản xuất rau màu của HTX được quy hoạch khang trang sạch sẽ, cánh đồng rộng lớn và bằng phẳng, đất đai phì nhiêu. Sự trang bị tốt về các điều kiện cơ sở vật chất, nhiều hệ thống tưới tự động được đầu tư lắp đặt, bãi đỗ xe, kho lạnh bảo quản nông sản cũng được nâng cấp đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất và bảo quản nông sản cho các hộ nông dân. HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Ngăm Mạc có thể cung ứng khối lượng rau, củ quả an toàn cho các bếp ăn, siêu thị, công ty… với khối lượng 15 tấn/tháng với các sản phẩm đa dạng. Đặc biệt, HTX có thể cung cấp nhiều chủng loại rau màu theo mùa vụ cam kết đảm bảo sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HTX đã sẵn sàng cho nguồn hàng lên tới 200 tấn cam Canh, gần 300 tấn rau, củ, quả các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng.
Tại tỉnh Hải Dương, Đoàn đã đến kiểm tra mô hình sản xuất của HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn. Ông Nguyễn Văn Thuấn – Giám đốc HTX cho biết, bên cạnh việc liên kết với nông dân trồng thanh long ruột đỏ HTX trồng thêm các loại cây như nho hạ đen, nho mẫu đơn và dưa chuột. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên diện tích thanh long ở đây không ngừng được mở rộng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Năm 2020, sản phẩm thanh long của HTX được tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đạt tiêu chuẩn chất lượng vàng trong nông nghiệp Việt Nam. Vùng sản xuất của HTX được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Dương cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã lấy mẫu quả thanh long tại HTX để kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy thanh long ở đây bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu với gần 800 hoạt chất đều ở ngưỡng cho phép. Sản phẩm thanh long ruột đỏ có logo, thương hiệu, code và nhãn mác. Hiện nay HTX có 60 ha thanh long ruột đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó 11,5 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Quốc Thanh, ông Naoki Kayano – Chuyên gia JICA, bà Trần Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Dương tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng – thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Đoàn đã đi kiểm tra mô hình trồng rau quả an toàn theo VietGAP tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Với tổng diện tích canh tác của HTX khoảng 30 ha, sản lượng hàng năm đạt 1.500 tấn. Hiện HTX đã có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Hữu Hưng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Yên Phú cho biết, trước đây bà con canh tác manh mún, nhỏ lẻ, nhưng từ khi người dân tham gia vào HTX đã trồng rau tập trung nên việc bố trí và giám sát sản xuất rất thuận lợi. HTX đã áp dụng một số kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: Sử dụng phân ủ hoai mục bằng phương pháp lên men giúp phục hồi cấu trúc đất và nâng cao độ phì cho đất. Kỹ thuật sản xuất cây giống trong khay xốp để tạo ra cây giống khỏe mạnh, có sức kháng chịu sâu bệnh tốt và thích nghi nhanh với môi trường bên ngoài sau khi được trồng ngoài cánh đồng. HTX đầu tư hệ thống nhà lưới 5.000 m2 và hệ thống tưới bán tự động bằng vòi phun để sản xuất rau an toàn. Sử dụng camera để giám sát hoạt động sản xuất rau… nhà sơ chế đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ công nhân của HTX có kỹ năng tốt trong thực hành các khâu sơ chế, đóng gói rau đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn của người mua. Đặc biệt, sản phẩm rau an toàn của HTX được tiêu thụ tại chuỗi siêu thị WinMart của Công ty Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce, hệ thống chuỗi siêu thị Aeon, chuỗi siêu thị Co.op, Coop Mart, Coop Food, một số cửa hàng rau an toàn, các bếp ăn trường học và khu công nghiệp.
Mô hình trồng rau an toàn theo VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú – Xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
Ông Nguyễn Văn Kiên – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chia sẻ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp xã Yên Phú được hỗ trợ bởi Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”. Cụ thể với các kỹ thuật cao như: khử trùng, đất, ươm cây giống, ủ phân, màng phủ không dệt… Chính vì vậy, sản phẩm của HTX luôn duy trì và phát triển đến các khách hàng cao cấp, trung cấp: siêu thị, bếp ăn công nghiệp, trường học, cửa hàng rau an toàn.
Tham gia Đoàn công tác, ông Naoki Kayano – Chuyên gia JICA chia sẻ, cách tiếp cận của Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn ở tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” là giới thiệu tư duy định hướng thị trường, thay đổi tư duy theo cách truyền thống từ khái niệm “Product-out” là bán những gì bạn sản xuất ra”, đến khái niệm “Market-in” là “trồng để bán” và cũng tăng cường chức năng và quản lý hợp tác xã nông nghiệp thông qua việc giới thiệu một hệ thống bán hàng tập trung. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn một cách bền vững, trong đó chú trọng vấn đề kỹ thuật và tư duy định hướng thị trường, đồng thời tăng cường chức năng quản lý HTX nông nghiệp thông qua việc giới thiệu một hệ thống bán hàng tập trung.
Qua tham quan, kiểm tra các mô hình ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Việc nâng cao chất lượng rau, quả, tiến tới tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP là vấn đề sống còn của nông sản Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu của thị trường ngày càng cao thì cùng với vấn đề kỹ thuật, việc hướng nông dân tới vấn đề thị trường, sản xuất bền vững và cam kết trách nhiệm với sản phẩm làm ra chính là mục tiêu lâu dài. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn chỉ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đơn thuần, muốn sản xuất bền vững thì cùng với kỹ thuật, cần phải hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất thông qua việc tham gia vào HTX. Chìa khóa của sản xuất hiệu quả và bền vững chính là bà con phải cùng nhau sản xuất, cùng nhau bán hàng, cùng nhau tổ chức kênh tiêu thụ, cùng nhau xây dựng thương hiệu và cùng nhau trách nhiệm với cam kết bảo vệ thương hiệu mà mình đã xây dựng nên.
Đoàn truyền thông tác nghiệp tại mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GlobalGAP, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Khu sơ chế, đóng gói rau rau an toàn theo VietGAP của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú
BBT