Hội thảo có sự tham dự của các cơ quan hữu trách và rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Mỹ Diệp) |
Hội thảo nhằm hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm cập nhập thông tin, kiến thức, các tiêu chuẩn, quy định về hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao cơ hội xuất khẩu, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về thị trường này, tận dụng cơ hội thị trường lớn và năng động để hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác. Riêng với TP Hồ Chí Minh thì ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.
Tình hình kinh tế – xã hội TP Hồ Chí Minh trong tháng 5 có một số điểm tích cực như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số IIP trên địa Thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đối với ngành ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, chiếm 14 – 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng góp từ 14 – 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống của ngành này giảm 4,7% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về thị trường xuất khẩu. Cụ thể trong Quý I, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.
Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)….. Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo khó khăn và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tối ưu hóa nguồn lực, nghiên cứu và đưa ra sản phẩm sử dụng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm tốt cho sức khỏe, có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới của khách hàng.
Theo ông Lương Văn Tài – Tùy viên thương mại bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong đó, các quy định và hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… đối với hàng hóa thực phẩm được quy chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Dù hàng rào thuế quan cơ bản được dỡ bỏ khi Trung Quốc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật lại được áp dụng nhiều hơn như: Tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật bị siết chặt, thường xuyên sử dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá”- ông Lương Văn Tài chia sẻ.
Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC), để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật nhu cầu của người tiêu dùng, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… của thị trường Trung Quốc.
Cùng quan điểm trên, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group cho biết: Để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc… Đồng thời, có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng./.