Thực phẩm “xấu xí” – lời giải cho bài toán lãng phí lương thực?

02/06/2023 HCMC foodex
Thuc pham (Nguồn: The Counter)

Theo tạp chí Time, “phong trào thực phẩm xấu xí” đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và Australia, hiện được coi như một giải pháp cho vấn đề lãng phí thực phẩm.

Thực phẩm “xấu xí” là gì? Đó là tên gọi dành cho những loại thực phẩm thường bị loại bỏ khỏi hệ thống bán hàng do hình thức bên ngoài, như rau củ bị biến dạng hay trái cây bị dập.

Những loại thực phẩm này có một hành trình đáng buồn. Nông dân vứt bỏ chúng. Siêu thị và nhà hàng từ chối chúng. Còn người tiêu dùng thì thường xuyên bỏ qua chúng.

Vấn đề lãng phí thực phẩm thực sự không còn là một câu chuyện đùa. Theo một số ước tính, một phần ba hoặc nhiều hơn lượng thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu đã bị vứt bỏ với chi phí lên tới hàng trăm tỷ USD.

Do vậy, việc tiếp thị cho những đồ gọi là thực phẩm “xấu xí” chính là câu trả lời cho mọi vấn đề.

Cách đây không lâu, liên minh châu Âu vẫn còn những quy tắc thực sự nhằm ngăn chặn việc bán ra các sản phẩm có kích thước kỳ lạ hoặc biến dạng. Trong số đó có một số các quy tắc rất chi tiết như không thể bán một ngọn măng tây trừ phi ít nhất 80% chiều dài của nó có màu xanh lá cây, hay những quy định chi tiết lên tới hàng milimet về độ cong của dưa chuột.

[Chủ quyền lương thực – lựa chọn cấp bách của các nước châu Phi]

Tuy nhiên, trong một nỗ lực lớn nhằm giảm lãng phí (năm 2014 được chỉ định chính thức là “Năm châu Âu chống lãng phí thực phẩm”), hầu hết các quy tắc đó đã bị loại bỏ từ vài năm trước.

Giờ đây, các cửa hàng tạp hóa tại châu Âu đang tích cực tiếp thị các sản phẩm như vậy và rõ ràng là mọi người vẫn mua chúng, mặc dù đến thời điểm này khó có thể đánh giá độ thành công của những nỗ lực đó.

Bất chấp tên gọi chính thức của phong trào – “ugly food movement,” các nhà quảng cáo thường không sử dụng từ “ugly” (xấu xí) mà ưa chuộng các thuật ngữ có tính nghệ thuật hơn.

Một chuỗi siêu thị của Pháp đang bán những sản loại thực phẩm được gọi là “inglorious food” (thực phẩm tầm thường). Chuỗi siêu thị ASDA của Anh sử dụng từ “wonky” (vẹo) mang nghĩa gần như “xấu xí” trong tiếng Mỹ.

Thuc pham
(Nguồn: Garden Collage)

Loblaws của Canana dùng “naturally imperfect” (không hoàn hảo một cách tự nhiên). Đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver, thì tự cho mình là người quảng bá cho phong trào đồ ăn “ngon” thay vì “xấu xí,” đã ký hợp đồng với một số chuỗi cửa hàng của Anh để hỗ trợ những nỗ lực của họ.

Các chuỗi cửa hàng khác thì tiếp cận một cách thận trọng hơn. Tesco, cửa hàng tạp hóa lớn nhất của Anh, đã bán những thực phẩm “xấu xí” của mình tại một số khu vực của châu Âu, nhưng đến nay vẫn chưa quảng bá cho những sản phẩm này tại quê hương mình bởi họ cho biết, những người tiêu dùng Anh vẫn chưa sẵn sàng cho những mặt hàng này. Tuy nhiên, công ty này cũng đã kêu gọi một chiến dịch giáo dục cộng đồng để thu hút người tiêu dùng.

Chiến dịch này cũng đang phát triển ở Australia nhờ những nỗ lực của đầu bếp Oliver, tuy vẫn vấp phải sự do dự của một số chuỗi cửa hàng.

Dù cho phong trào này có những dấu hiệu khả quan sẽ đạt được thành công, thì việc đưa xu hướng mua sắm thực phẩm “xấu xí” vào cuộc sống vẫn là một thách thức lớn.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, người tiêu dùng tại các nước phát triển đã quen với việc đón nhận và kỳ vọng về những sản phẩm có hình thức hoàn hảo.

Thông thường, “hoàn hảo” ở đây có nghĩa là “đồng đều” và không có tì vết. Còn trên thực tế, những thực phẩm “xấu xí” cũng ngon và bổ dưỡng không kém những đồng loại đẹp đẽ của chúng. Cần phải mất rất nhiều thời gian để đưa người tiêu dùng thoát khỏi thói quen và kỳ vọng khi mua sắm đó.

Xét cho cùng, phong trào thực phẩm hữu cơ đã bắt đầu từ hơn 40 năm trước, nhưng chỉ trong những năm gần đây nó mới bắt đầu ảnh hưởng lớn tới ngành thực phẩm.

Thực phẩm “xấu xí” có một lợi thế lớn so với các thực phẩm hữu cơ, nó thường rẻ hơn mức giá bình dân. Tuy nhiên, mức giá này không gây ảnh hưởng xấu tới nông dân hoặc người bán hàng, bởi thực ra chúng thường bị vứt bỏ thay vì được bán, và doanh thu từ những sản phẩm này có thể tính hoàn toàn là lợi nhuận.

Và trên thực tế, chúng còn giúp tiết giảm chi phí. Bởi nếu không được tiêu thụ, những thực phẩm bị vứt bỏ này vẫn cần chi phí để vận chuyển chúng trở về nơi sản xuất.

Và có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi người tiêu dùng Mỹ bắt kịp xu hướng này chậm hơn châu Âu. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy phong trào này có thể bén rễ tại đây.

Bon Appetit Management, một công ty thực phẩm lớn thuộc sở hữu của tập đoàn Compass khổng lồ tại Mỹ, năm ngoái đã tung ra Imperfectly Delicious Produce (thực phẩm ngon không hoàn hảo), một chương trình nhằm tuyển chọn những thực phẩm có hình thức xấu đưa sang các nhà hàng và quán ăn tự phục vụ của công ty, thay vì vứt bỏ chúng.

Nhưng những nỗ lực đó vẫn là rất ít ỏi tại Mỹ. Cho đến nay, hầu hết những thực phẩm “xấu xí” đã được trao tới cho những người nghèo thay vì vứt bỏ, nhờ những nỗ lực của Mạng lưới phục hồi thực phẩm (mà Bon Appetit đã hợp tác) cùng Thử thách phục hồi thực phẩm của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ.

Những nỗ lực như vậy rất hữu ích. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu các doanh nghiệp tư nhân không chỉ bán được thực phẩm “xấu xí” mà còn có thể quảng bá chúng rộng rãi, để giúp giảm thiểu lượng thực phẩm lãng phí nhiều tới mức gây sốc những năm vừa qua./.

(Vietnam+)

Bình luận