Giá gạo Việt vượt Thái Lan đứng số 1 thế giới
Trong bối cảnh các ngành hàng đều gặp khó, xuất khẩu gạo đang trở thành điểm sáng khi tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao, đứng đầu thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3,9 triệu tấn, tương đương 2,02 tỷ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ 2013 cho đến nay.
Không chỉ sản lượng, giá xuất khẩu bình quân của gạo Việt cao nhất trong 10 năm qua , và hiện đứng đầu thế giới.
Theo đó, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam ngày 1/6 giao dịch ở mức 498 USD/tấn; loại 25% tấm là 483 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan loại 5% tấm đạt 493 USD/tấn, loại 25% tấm 465 USD/tấn. Của Ấn Độ, loại 5% tấm là 453 USD/tấn, loại 25% tấm là 428 USD tấn.
Về thị trường, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore… đang tăng cường mua gạo của Việt Nam. Đặc biệt, gạo chất lượng cao chiếm phần lớn.
Trong 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang châu Âu cũng tăng trưởng gần 50%, nhất là các thị trường Hà Lan, Bỉ, Ba Lan.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm nay xuất khẩu gạo gặp thuận lợi nhất do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng mạnh, tại cả thị trường truyền thống và mới. Đặc biệt, gạo thơm Việt Nam thực hiện xúc tiến thương mại thêm tại các thị trường ngách và ngày càng có vị thế riêng.
Cùng với đó, Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm.
Hiệp hội dự báo hết năm, xuất khẩu gạo có thể chỉ đạt 6,3-6,5 triệu tấn, thấp hơn so với 2022. Năm nay, ngoài nguồn cung phải giữ lại để gối đầu cho vụ kế tiếp, một phần còn dùng bù đắp lượng gạo nhập khẩu dùng cho chế biến thực phẩm đang giảm mạnh.
Nguồn: Dương Hưng
Tiền Phong