Khó đạt VietGAP, chợ truyền thống cần chuẩn mới
Chuyên gia cho rằng cần phải có tiêu chuẩn mới để đảm bảo lương thực, thực phẩm đến tay người dân đều đạt mức tối thiểu yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chuyên gia cho rằng chợ truyền thống chưa kiểm soát tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thạch Thảo.
Tại hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM” tổ chức ngày 21/10, PGS, TS Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng chợ truyền thống chiếm tới 70% tổng sản lượng thực phẩm của TP nhưng không thể kiểm soát tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, thực phẩm tại các chợ truyền thống hầu như không thể kiểm soát được một cách chặt chẽ và toàn diện ở các mặt hàng, tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận VietGAP chiếm rất ít, gần như là không có trong cơ cấu hàng hóa thực phẩm”, ông Khai đánh giá.
Trong khi đó, hệ thống phân phối hiện đại áp dụng hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng tương đối tốt, thì chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Với tình hình hiện tại, ông Khai cho rằng nhiều người đang có lối suy nghĩ phải có tiền mới mua sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn VietGAP. “Do đó, chúng ta phải xử lý triệt để, làm thế nào để người có thu nhập thấp vẫn có thể ăn được sản phẩm an toàn”, ông nhấn mạnh.
Ông kiến nghị xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường, hỗ trợ thiết thực cho người sản xuất tham gia chuỗi giá trị thực phẩm an toàn, phát triển hệ thống phân phối hiện đại, kiểm soát và quản lý chặt chẽ hơn an toàn thực phẩm.
“Nhà nước cần xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc. Nếu hàng hóa đạt chuẩn VietGAP hoặc chuẩn an toàn thực phẩm nào đó được Nhà nước chấp nhận mới được đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường. Còn sản xuất không an toàn thì không sản xuất”, ông nói.
Đồng thời, vị này cũng nhận định hệ thống quản lý của Việt Nam hiện chưa có cấp vùng. Điển hình như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi TP.HCM và các đô thị phía Nam là nơi tiêu thụ, còn nơi sản xuất lại là tỉnh nông thôn. Tuy nhiên do không có cơ chế quản lý chung và rời rạc như hiện nay dẫn đến rất khó điều phối và kiểm soát chuỗi lương thực, thực phẩm.
Cũng tại hội thảo, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho rằng cần phân luồng lại cho các chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng bình ổn thị trường hơn trong giai đoạn 2022-2032.
Trên địa bàn TP hiện có 235 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 3.012 cửa hàng tiện lợi… với hơn 20 thương hiệu phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Winmart, BigC, MM Mega Market, Lotte, Shop & Go, Circle K, Family mart, GS25… phục vụ cho nhu cầu của hơn 13 triệu dân.
Trong đó, có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng,1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.
Nguồn: zingnews.vn