Sản xuất thực phẩm sạch: Chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc
Sản phẩm của sản xuất nông nghiệp tác động trực tiếp tới sức khoẻ của bao nhiêu người, thậm chí cả một thế hệ. Cần phải khép dần vào quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc…
Ảnh minh hoạ.
An toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, phải làm từng ngày, từng giờ và phải ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Quản lý an toàn thực phẩm không phải đợi đến “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” mới vào cuộc.
Đây là thông điệp mà ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nêu rõ tại hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM vào sáng 18/10/2022.
HOANG MANG CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Bản thân ông cũng có phần trách nhiệm, nhưng cũng rất khó để kiểm soát chặt chất lượng khi nền nông nghiệp Việt Nam còn manh mún như hiện nay. Vì vậy, để định hướng lâu dài, cần có cách tiếp cận khác. Cần phải kiểm chặt soát khâu sản xuất.
Dẫn chứng tại Nhật Bản, ông Hoan cho biết có một ngôi làng hẻo lánh thay đổi thần kỳ nhờ trồng rau xà lách sạch. Họ tự đứng ra tổ chức, xây dựng bộ tiêu chí riêng cho quy trình canh tác. Đây là những tiêu chí khắt khe khiến rau xà lách của làng dù không theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay JGAP nhưng chất lượng vẫn cao.
Họ có một quy tắc nếu một hộ nào trong làng vi phạm, không tuân thủ các tiêu chí sẽ bị cấm canh tác. Nhờ vậy, Kawakami đã trở thành ngôi làng trồng rau sạch giàu nhất ở Nhật Bản. Thu nhập người dân nơi đây là 25 triệu Yên một năm (hơn 200.000 USD) từ trồng xà lách.
Theo đó, ông Hoan đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp không nên nghĩ chỉ đơn giản là việc mua – bán với người nông dân, mà mục tiêu, sứ mạng cuối cùng của doanh nghiệp là kiến tạo chia sẻ giá trị để thay đổi nhận thức. Bước đầu doanh nghiệp có thể làm việc với nông dân sản xuất sạch ở quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần khi tất cả đã vào guồng.
“Nếu doanh nghiệp xem nông dân là bà con chứ không chỉ là đối tác làm ăn qua thương vụ, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ cao hơn rất nhiều lần, thương hiệu doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều lần và khi đó, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng đánh tráo nhãn mác sẽ giảm đi rất nhiều lần”, ông Hoan nói.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng nhận trách nhiệm về việc thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng – Ảnh: NT.
Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết bộ sẽ hoàn thiện dần những quy định, đã đến lúc chuyển từ khuyến khích sang bắt buộc, bắt buộc ở trong diện rộng chưa được thì bắt buộc trong diện hẹp, từ hệ thống phân phối lớn, từ tập đoàn lớn, dần trở thành một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện.
“Sản phẩm của sản xuất nông nghiệp tác động trực tiếp tới sức khoẻ của bao nhiêu người, thậm chí cả một thế hệ. Cần phải khép dần, để tất cả giấy chứng nhận là một bảo chứng để người nông dân hãnh diện, chứ không phải là giấy thông hành”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI VI PHẠM AN TOÀN THỰC PHẨM
Thông tin về thực hiện an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 89% cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu an toàn thực phẩm.
Có 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384 ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đối diện nỗi lo dư lượng. Đơn giản như cọng hành lá dùng làm gia vị trong gói mì tôm cũng không dễ đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, cho rằng hàng kém chất lượng “đội lốt” nhãn mác VietGAP đưa vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng và gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính. Thế nhưng, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.
Nhấn mạnh về nhược điểm trong sản xuất, lưu thông và phân phối, theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện chưa có tính tự giác trong sản xuất cũng như trong khâu chế biến, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Vùng sản xuất nhiều nhưng những nơi được cấp giấy chứng nhận về độ sạch còn hạn chế dẫn đến sản phẩm sạch và không sạch như nhau.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đề xuất cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng – Ảnh: NT.
Để khắc phục những nhược điểm, hạn chế bà Hậu cho rằng cần học hỏi các nước tiên tiến, giảm áp lực cho nhà sản xuất, chế biến, giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường.
Kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hoá chất độc hại với môi trường… kiểm soát chặt chẽ khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiêu chuẩn hoá quy trình trồng và canh tác cho từng loại hoa màu đã chọn lọc.
Truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố bắt buộc. Tạo liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tham gia chuỗi, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, bà Hậu đề xuất, cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng.
Nguồn: vneconomy.vn