Doanh nghiệp làm thực phẩm sạch thất thế trước thực phẩm không rõ nguồn gốc, vì sao?

07/10/2022 HCMC foodex

Giá của các sản phẩm thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng cao hơn nhiều so với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Số đông người tiêu dùng không đủ kinh tế để tiếp cận với nguồn hàng này.

Sáng nay (13/10), Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp tại TP.HCM đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm”.

Thực phẩm sạch, giá cao

Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm và những bất cập trong việc kiểm soát chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn. Trong đó, việc kiểm soát đầu vào tại các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm đóng vai trò quan trọng.

Thực phẩm sạch, minh bạch vẫn còn xa vời với người tiêu dùng - Ảnh 1.Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (bên trái ) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quang Sung

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) đã chỉ ra những lỗ hổng trong công tác kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thực phẩm. “Luật không bắt buộc rau tươi phải có nhãn mác. Đây là điểm khó cho các chợ đầu mối, vì có muốn cũng không làm được”, bà Minh cho hay.

Cũng theo bà Minh, hiện nay các sản phẩm nông sản sạch, minh bạch đang chiếm tỉ trọng rất nhỏ trên thị trường. “Thực phẩm hữu cơ, thực phẩm minh bạch đang rất nhỏ bé, bên cạnh “núi” thực phẩm không rõ nguồn gốc. Do đó cạnh tranh không hiệu quả, các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch gần như thất thế trước thực phẩm không rõ nguồn gốc”, bà Minh nhấn mạnh.

Chuyên sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch, minh bạch, ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) cho biết, hiện tại những sản phẩm của doanh nghiệp ông chưa được biết đến rộng rãi và cũng chưa có mặt ở các siêu thị lớn.

“Sản phẩm của chúng tôi hiện tại chỉ được một số tệp khách hàng nhất định, có tìm hiểu về thực phẩm sạch tin tưởng sử dụng. Sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa có mặt ở các siêu thị, lý do là những sản phẩm sản xuất đảm bảo sạch, minh bạch thì quy trình sản xuất phức tạp hơn, sản lượng không cao. Do đó dẫn đến giá sẽ cao hơn nhiều so với các sản phẩm tương tự ngoài thị trường”, ông Thứ chia sẻ.

Đưa doanh nghiệp làm thực phẩm sạch đến gần hơn với người tiêu dùng

Trước những bất cập đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) đã có những nhận định, nhằm khắc phục tình trạng trên. Theo bà Minh, để có sự chuyển đổi sang kinh doanh sản phẩm sạch, minh bạch thì các nhà sản xuất phải có thời gian chuyển đổi và cần được hỗ trợ. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần có thời gian để thích nghi và hình thành thói quen tiêu dùng.

Thực phẩm sạch, minh bạch vẫn còn xa vời với người tiêu dùng - Ảnh 3.Sản phẩm rau xà lách của một HTX rau sạch tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

“Chúng ta cần có những giải pháp tạo điều kiện để các sản phẩm sạch, minh bạch có cơ hội tiếp cận thị trường, tham gia xúc tiến thương mại ở các sự kiện lớn. Qua đó, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận sản phẩm và bản thân doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận với thị trường. Chúng ta cần quan tâm hỗ trợ về mặt vốn vay cho các doanh nghiệp, như vậy sản phẩm sạch, minh bạch mới có cơ hội có mặt rộng rãi trên thị trường Việt Nam”, bà Minh đề nghị.

Cũng theo bà Minh, xây dựng và phát triển được hệ sinh thái các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sạch, minh bạch, khi đó giá thành sẽ giảm, người tiêu dùng càng có cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn với giá phải chăng.

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) cho thấy, hiện có hơn 56% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch của các sản phẩm thực phẩm sử dụng. Đó là minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc, thành phần, chất lượng sản phẩm…Theo AFT, nhiều ý kiến của người tiêu dùng trong các cuộc khảo sát, đều mong muốn hàng Việt cần minh bạch, rõ ràng trong nhãn mác, thông tin về sản phẩm để đáp ứng thị hiếu và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó hướng tới áp dụng các phương án truy xuất hiện đại, các loại bao bì cần đa dạng, thân thiện với môi trường… Có như vậy, hàng Việt mới không bị “quay lưng” ở trên sân nhà, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu, rộng.

Nguồn: danviet.vn

Bình luận