Quản lý chất lượng nông sản thực phẩm cần có quy trình chuẩn
Đây là nhận định của nhiều diễn giả, đại biểu tại Toạ đàm vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch phối hợp Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế nông nghiệp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13/10.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội quán các bà mẹ, đại diện người tiêu dùng chia sẻ, ngay cả trước khi báo chí đăng tải thông tin về rau chợ “hô biến” thành rau VietGAP đưa vào các hệ thống siêu thị, nhiều người nội trợ đã không có niềm tin vào chất lượng các sản phẩm được chứng nhận hay sản phẩm phân phối trong hệ thống siêu thị.
Nguyên nhân xuất phát từ việc tìm hiểu thực tế quy trình chứng nhận cho sản phẩm đạt các tiêu chuẩn phổ biến trên thị trường thường được cấp một lần và dùng mãi mãi nên không ai đảm bảo chất lượng thực sự sản phẩm đó dù có dán nhãn tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia.
“Bản thân tôi và nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả của những người quen mà mình biết phương pháp canh tác của họ an toàn, dù sản phẩm đó không hoặc chưa có chứng nhận. Điều mà người tiêu dùng quan tâm là chất lượng, sự an toàn thực sự của thực phẩm chứ không phải các chứng nhận dán trên bao bì. Vấn đề nằm ở chỗ không phải ai cũng có thể giám sát hay tận mắt quan sát phương pháp canh tác nên họ tạm gửi lòng tin vào các chứng nhận. Tuy nhiên, sau những thông tin rau chợ được dán nhãn VietGAP, nấm Trung Quốc dán nhãn Việt Nam,…thì người tiêu dùng thật sự không biết nên đặt niềm tin vào đâu.”, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý nêu thực tế.
Bà Võ Thị Bích Thủy, Phó giám đốc Phòng Quản lý chất lượng hệ thống siêu thị Co.op mart Việt Nam phân tích, người tiêu dùng mất niềm tin vào các đơn vị phân phối thương mại có nhiều nguyên nhân; trong đó, một phần do chưa hiểu hiểu hết quy trình giám sát, quản lý chất lượng đầu vào của các hệ thống này, phần khác do truyền thông, minh bạch thông tin của đơn vị phân phối chưa tốt. Để đảm bảo chất lượng hàng hoá, mỗi hệ thống phân phối đều có quy trình kiểm soát chi tiết.
Cụ thể, tại Co.opmart, hàng hoá, nông sản thực phẩm không chỉ được kiểm soát ngay tại khâu nhập hàng (thông qua test nhanh mẫu sản phẩm, lấy mẫu xét nghiệm) mà còn được giám sát thực tế lại đơn vị cung ứng, vùng nguyên liệu, các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn hay nghi ngờ sẽ bị loại bỏ trước khi đưa về trung tâm phân phối. Bên cạnh đó, đơn vị cũng ưu tiên việc đào tạo, tập huyến cho người sản xuất hiểu đúng và thực hiện đúng các cam kết về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm.
Cũng ở góc độ người kinh doanh nông sản thực phẩm, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Organica chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu của bản thân trong việc tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và quyết tâm xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên bản thân đã quá quen với việc thường xuyên nhận được các câu hỏi sản phẩm có chứng nhận hữu cơ thật không? Cửa hàng có trộn lẫn sản phẩm không có chứng nhận không?
Theo bà Phạm Phương Thảo, những câu hỏi đó cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nông sản nhưng họ đang quá thiếu thông tin và có thừa sự nghi ngờ. Và đáng tiếc là những nghi ngờ của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở khi rất nhiều vụ việc gian dối về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm bị phanh phui.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho rằng, thực phẩm không an toàn không phải là vấn đề mới, chỉ là khi các phương tiện truyền thông “chỉ mặt” những trường hợp cụ thể thì dư luận mới bàn tán sôi nổi hơn. Những người tiêu dùng trước nay chọn việc tin tưởng sự kiểm soát của cơ quan chức năng, của đơn vị phân phối và sự trung thực của các chứng nhận thì “bật ngửa” và đặt dấu chấm hỏi cho tất cả sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, lỗ hổng lớn nhất trong chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay chính là thiếu quy trình kiểm soát hiệu quả. Quá trình đi thực tế tại các chợ đầu mối lớn của Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, các sản phẩm nhập khẩu, kể cả nhập từ Trung Quốc đều có nhãn mác ghi rõ đơn vị sản xuất và xác nhận kiểm dịch… nhưng hàng hoá Việt Nam đưa vào chợ đầu mối đều đóng bao trắng, không thông tin đơn vị sản xuất, địa chỉ, liên hệ.
Điều này xuất phát từ việc pháp luật không quy định bắt buộc nông sản phải có các chứng nhận tiêu chuẩn ví dụ như VietGAP, GlobalGAP… rau củ quả tươi sống cũng không bắt buộc có nhãn mác, việc truy xuất nguồn gốc cũng không bắt buộc mà chỉ áp dụng “truy ngược” khi có sự cố. Tất cả các giải pháp giúp kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản thực phẩm hiện nay chủ yếu trên tinh thần “tự giác, tự nguyện” của người sản xuất, người phân phối nên mỗi người làm một kiểu.
“Luật phải thay đổi, điều chỉnh quy định về quản lý chất lượng như bắt buộc truy xuất được nguồn gốc nông sản thực phẩm. Các chợ đầu mối cũng cần quy trình kiểm soát hiệu quả hơn nhằm gạt bỏ tất cả sản phẩm không an toàn trước khi được đưa vào chuỗi tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nêu kiến nghị.
Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh tiếp thị, Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết chợ đầu mối Thủ Đức chuyên phân phối rau củ quả và trái cây của Tp. Hồ Chí Minh với lưu lượng hàng qua chợ mỗi ngày khoảng 2.300 tấn; trong đó riêng rau củ quả là 1.300 tấn.
Dù chợ có quy trình rõ ràng về việc đăng ký tên hàng, mã hàng, nơi sản xuất và nhập vào ô vựa nào nhưng do đặc thù của chợ đầu mối là thời gian luân chuyển hàng hoá ngắn, tập trung vào đêm khuya và sáng sớm nên để kiểm soát xuất xứ tất cả hàng hoá không hề đơn giản.
Theo ông Nguyễn Bình Phương, có tới 99% hàng hoá được thương nhân tự trao đổi mua bán trực tiếp với nhau, chợ chỉ là nơi trung chuyển, các đội giám sát của Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng chỉ có thể kiểm soát bằng cách lấy mẫu ngẫu nhiên dựa trên đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm phải chờ sau 3-5 ngày, nên không thể bắt thương nhân chờ có kết quả mới đưa rau vào chuỗi phân phối và khi phát hiện vấn đề thì sản phẩm đã tiêu thụ hết.
“Ban An toàn thực phẩm hay Ban quản lý các chợ cũng chỉ kiểm soát một phần đầu cuối sản phẩm trước khi bán cho người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là làm sao để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm ngay từ nơi sản xuất mới là giải pháp căn cơ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định về việc áp dụng quy trình sản xuất, giám sát việc tổ chức sản xuất, truy xuất, dán nhãn các sản phẩm theo tiêu chuẩn một cách nghiêm ngặt và minh bạch thông tin.”, ông Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh./.