Xu hướng tiêu dùng thực phẩm chứa lợi khuẩn đang ‘lên đời’
Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng xem xét lại những gì thực sự quan trọng, chọn lựa ưu tiên giá trị và nhu cầu cá tính hóa.
Chuyên gia Phương Thảo chia sẻ các vấn đề của luật ghi nhãn sản phẩm thực phẩm. Ảnh: Trần Quỳnh.
Các doanh nghiệp có xem sự thay đổi này là cơ hội mới?
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức hội thảo: “Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sau đại dịch trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam nên thích ứng như thế nào?”, đây là hoạt động chuẩn bị cho Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022) từ ngày 19 đến ngày 22/10/2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC.
“Những sản phẩm dinh dưỡng, tiện lợi, đa dạng, có tính mới được quan tâm. Nhất là sản phẩm thực phẩm có vùng nguyên liệu mới, nguồn gốc từ thực vật, cây dược liệu, có công nghệ chế biến, bao bì đóng gói rõ ràng được đẩy lên mạnh mẽ. Đặc biệt, xu thế đáng quan tâm là sản phẩm chứa lợi khuẩn được người tiêu dùng chọn mua vì giúp họ tăng sức đề kháng”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét.
Theo ông Vượng, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm hỗ trợ trong việc điều trị, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, họ bỏ thời gian tìm hiểu kỹ khi mua qua hình thức online như một thói quen. Do đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về người tiêu dùng, để hiểu và đáp ứng nhu cầu, thậm chí phát triển nhu cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm để có thể phát triển bền vững.
Tại nhiều nước trên thế giới đang bùng nổ xu hướng tiêu dùng này. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Vinamit, “Plant-based” (thực phẩm dựa trên – hay có nguồn gốc – từ thực vật) đang dần dần trở thành một xu hướng tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều nhà hàng, chuỗi nhà hàng chay và ăn chay không là chuyện của những người theo tôn giáo nữa mà là bất kỳ ai muốn giảm bớt những rủi ro từ thịt động vật.
Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ về thực phẩm chứa lợi khuẩn, có nguồn gốc từ thực vật. Ảnh: Trần Quỳnh.
Từng tổ chức nhiều hoạt động lan tỏa kiến thức khoa học, lối sống giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức về xây dựng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, hệ vi sinh vật đường ruột, tạo miễn dịch cho cơ thể từ việc nuôi dưỡng hệ vi sinh… Vinamit đã phát triển dòng sản phẩm thực phẩm chứa lợi khuẩn có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, theo ông Viên, người tiêu dùng có thể chưa bắt kịp xu hướng, chưa thích nghi.
Ông Viên phân tích: Trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng lương thực ngày một tăng cao, “plant-based” được quan tâm như giải pháp hay để tập cho người tiêu dùng làm quen dần, quen rồi thì họ sẽ hưởng ứng một cách rộng rãi.
Ông tin rằng, xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống thay đổi là cơ hội để các doanh nghiệp cho ra các dòng sản phẩm mới, phù hợp thị trường cũng như cơ hội để xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP.HCM đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gãy để xuất khẩu lương thực, thực phẩm chế biến sâu vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn.
Từ góc nhìn của Dự án Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, chuyên gia Hồ Ngọc Phương Thảo, nhấn mạnh: “Về các sản phẩm “Plant-based” hiện nay có 4 tuyên bố cần lưu ý: Tuyên bố về dinh dưỡng; tuyên bố trực tiếp về sức khỏe; tuyên bố có lợi cho sức khỏe; tuyên bố về đặc thù, cấu trúc, tính năng của sản phẩm. Tất cả sản phẩm phải được thực nghiệm lâm sàng trước khi sản phẩm ra thị trường, chứ không phải ra thị trường rồi mới làm lâm sàng”.
Tại hội thảo, bà Phương Thảo đã hướng dẫn cách tra cứu, lựa chọn thực phẩm đáng tin tưởng thông qua đọc thông tin tiêu chuẩn ở nhãn sản phẩm, những chi tiết về thành phần dinh dưỡng, tuyên bố và chứng nhận trên nhãn sản phẩm… để việc chọn lựa sản phẩm an toàn, phù hợp nhu cầu sử dụng cá tính hóa.
Bà Phương Thảo lưu ý thêm 5 loại tuyên bố trên nhãn thực phẩm, bao gồm: 1/Tuyên bố về thành phần (tự nhiên, nhân tạo, hữu cơ…); 2/Tuyên bố về sức khỏe (như dồi dào các chất có lợi cho sức khỏe, không có hoặc ít các chất gây ảnh hưởng đến các bệnh tật…); 3/Tuyên bố về dinh dưỡng (bổ sung vitamin, khoáng, hỗ trợ chế độ dinh dưỡng theo nhu cầu…); 4/Tuyên bố về dị ứng, dung nạp (chứa thành phần chất gây dị ứng, các cảnh báo bất dung nạp…); 5/Tuyên bố về chứng nhận như hợp chuẩn, hợp quy, thuần chay, hữu cơ…