Khai thác thị trường tỷ đô từ việc tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa
Triển vọng xuất khẩu mít non với giá trị tăng cao hơn mít tươi là bằng chứng cho việc thích ứng với xu hướng tiêu dùng thịt thực vật. Hàng tỷ USD có thể được thu về từ thị trường thịt thực vật, thực phẩm chay, sữa thực vật, đạm thực vật nếu như các doanh nghiệp Việt chịu khó suy nghĩ, không bỏ lỡ cơ hội thị trường, tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa trước những xu hướng tiêu dùng mới.
Để thâm nhập vào thị trường ngách ở Bắc Âu, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm các nước Bắc Âu khác) mới đây cho biết, các doanh nghiệp (DN) cần nhắm tới các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, đơn cử như sản phẩm mít non đóng hộp đang được rất ưa chuộng.
Tiềm năng xuất khẩu mít non
Cần lưu ý, Bắc Âu gồm các thị trường có quy mô dân số tương đối nhỏ, nhưng thu nhập bình quân đầu người rất cao và kim ngạch nhập khẩu ấn tượng, lên tới khoảng 400 tỷ USD mỗi năm. Nếu các DN Việt chinh phục được thị trường ngách (như với sản phẩm mít non đóng hộp) ở đây có thể giúp bắt được xu hướng mới, đi tắt đón đầu và bứt phá thành công.
Thích ứng xu hướng tiêu dùng mới và tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa sẽ giúp mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các DN Việt.
Về triển vọng xuất khẩu (XK) mít non, theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đây là một loại sản phẩm khác của mít có tiềm năng khai thác lớn. Tại nhiều quốc gia, mít non được biết đến là một trong những loại nguyên liệu được ưa chuộng để làm thịt thực vật.
Nhất là trong xu hướng thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt giai đoạn sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với thịt thực vật tăng cao khiến các nhà sản xuất tích cực đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản phẩm, trong đó có nguồn nguyên liệu mít non. Bởi vì mít non có độ dai tương tự như thịt, đồng thời có khả năng hấp thụ gia vị tốt, có thể sử dụng trong chế biến thịt thực vật.
Chuyên gia của BSA nhận định nhu cầu sử dụng mít non làm nguyên liệu cho các sản phẩm thực phẩm có tiềm năng lâu dài và có thể còn lớn hơn tiềm năng khai thác được từ mít tươi. Ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có sản lượng mít lớn nhất, cũng đang thực hiện khai thác mít theo hướng trở thành nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm.
Cần để ý thêm, giá mít tươi XK trong 8 tháng đầu năm nay vào khoảng 0,4 – 0,42 USD/kg, tương đương 9.000 – 10.000 đồng/kg, nếu theo điều kiện DAF (Delivered At Frontier – giao hàng tại biên giới) có thời điểm đến 0,53 – 0,55 USD/kg, tương đương 12.000 – 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo dữ liệu mà BSA thu thập được, giá mít non XK trung bình vào khoảng 2 – 2,1 USD/kg, tương đương 23.000 – 25.000/kg.
Ngoài nguồn nguyên liệu mít non, giới chuyên gia cho rằng cần tận dụng sáng tạo nguồn nông sản bản địa nhằm nắm bắt xu hướng tiêu dùng thịt thực vật hay thực phẩm chay trên toàn cầu như hiện nay. Nên biết, cách đây 2 năm, thị trường thực phẩm thuần chay toàn cầu đã có trị giá khoảng 15,6 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình 10,5% mỗi năm và đạt khoảng 31,4 tỷ USD vào năm 2026.
Không bỏ lỡ cơ hội thị trường
Bàn về thị trường thực phẩm chay và thịt thay thế, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng chúng ta có rất nhiều phụ phẩm từ các cây nông nghiệp mà hoàn toàn có thể chế biến ra các thực phẩm chay rất độc đáo. Hoạt động kinh doanh từ chế biến nông sản nhiệt đới sẽ mang lại rất nhiều cơ hội mới nếu như các nhà chế biến chịu khó nghiên cứu tìm hiểu.
Liên quan đến xu hướng tiêu dùng mới này, ngay như trong cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 – 2022 do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức đang diễn ra vào tháng 9 này cũng cho thấy sự nổi bật của những dự án có nhiều cơ hội vào chung kết, như: Dự án “Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ Đồng bằng sông Cửu Long” (dự án của Hậu Giang) hay dự án “Sữa thực vật” của An Giang.
Với việc khởi nghiệp từ sữa thực vật ở An Giang không thể không nhắc tới anh Nguyễn Hoàng An, trú Tp.Long Xuyên (An Giang) – một chủ cơ sở sản xuất đã tạo ra các dòng sản phẩm sữa thực vật gồm: Sữa gạo lứt, sữa gạo Nhật Bản và sữa vị trái cây. Mỗi ngày, anh bán từ 8.000 – 16.000 chai sữa cho các nhà phân phối lớn ở Tp.HCM, Bình Phước, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp.
Từ việc tận dụng nguồn nông sản bản địa, anh An cho biết thời gian tới sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới lạ khác của sữa thực vật như sữa xoài, sữa mãng cầu và sữa nha đam.
Triển vọng của thị trường sữa thực vật được cho là khá tiềm năng để các DN Việt khai thác từ nguồn nguyên liệu nông sản trong nước. Theo báo cáo của Research & Market, sữa thực vật được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng kép 10,18% và doanh thu khoảng 21,52 tỷ USD vào năm 2024. Đi đầu cho xu hướng tiêu dùng này có thể kể đến Mỹ, châu Âu, châu Á.
Riêng với thị trường châu Á, giới chuyên gia cho rằng khi ngày càng nhiều người châu Á áp dụng chế độ ăn kiêng linh hoạt và chú trọng đến nguồn thịt, sữa, đạm có nguồn gốc từ thực vật, cho nên các DN Việt cần nỗ lực phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với khẩu vị của họ. Nhất là khi các DN ở Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các công ty quốc tế nhờ khả năng nội địa hóa sản phẩm, tận dụng tốt nguồn nông sản bản địa.
Điều quan trọng là các DN Việt cần tập trung vào việc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng hơn là chỉ tập trung vào thuộc tính của sản phẩm. Họ cần nhận ra sự đa dạng về khẩu vị, phong cách, kết cấu và văn hóa ẩm thực và tạo ra các sản phẩm mới có nguồn gốc từ thực vật nhằm đáp ứng thị trường thực phẩm một cách sáng tạo và đa dạng. Điều này đòi hỏi các DN Việt cần hiểu rõ địa lý, không bỏ lỡ cơ hội thị trường và kỳ vọng của người tiêu dùng.
Thế Vinh
Nguồn: vnbusiness.vn