2.100 người ngộ độc, 28 người chết mỗi năm, báo động thực phẩm bẩn
Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc, 28 người tử vong.
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm ngày 3-1 – Ảnh: VGP
Ngày 3-1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trù cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm.
Ca ngộ độc thực phẩm gia tăng
Theo báo cáo tại cuộc họp, năm 2023 toàn ngành y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện
34.500 cơ sở vi phạm, trong đó hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỉ đồng.
Ngành nông nghiệp thanh tra hơn 19.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1.600 cơ sở với hơn 14,4 tỉ đồng.
Ngành công thương kiểm tra hơn 8.300 vụ, xử lý hơn 6.770 vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỉ đồng.
Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum.
Trước đó, năm 2022 cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, có 18 người tử vong.
Chia sẻ tại cuộc họp, bà Phạm Khánh Phong Lan – giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM – cho rằng hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm đã đầy đủ nhưng vẫn thiếu mô hình, tổ chức triển khai hiệu quả, sát với thực tế.
Ứng dụng công nghệ quản lý an toàn thực phẩm
Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu thực tế ban chỉ đạo về an toàn thực phẩm được tổ chức từ trung ương xuống đến cấp quận, huyện nhưng tại xã, phường chỉ có cán bộ kiêm nhiệm.
Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra là các đoàn liên ngành được thành lập theo thời điểm, thiếu chuyên môn sâu.
Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng phải tuân theo tinh thần hậu kiểm, không làm phiền doanh nghiệp, cơ sở, người dân.
Bà Hà kiến nghị cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ về an toàn thực phẩm liên thông trên toàn quốc.
Đồng thời, cần có sự tham gia, phản ánh trực tiếp của người dân kết hợp với cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Nhiều hình thức sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, quảng cáo thực phẩm mới xuất hiện hết sức phức tạp, đa dạng, đặt ra yêu cầu mới đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm của các bộ, ngành, địa phương.
Trong thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Đồng thời, cần đổi mới phương thức, hình thức truyền thông đa dạng, thường xuyên.
“Các bộ, ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đăng ký công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm”, ông Hà nhấn mạnh.